|
Tên lửa đẩy HII-B chuẩn bị rời bệ phóng Tanegashima. Ảnh chụp màn hình |
Kế hoạch phóng vệ tinh được đẩy lên sớm 12 phút so với kế hoạch ban đầu là 9h18. Sau khoảng 15 phút phóng lên không gian, tàu vận tải vũ trụ HTV-3 đem theo vệ tinh F-1 (có kích thước 10x10x10 cm và nặng 1 kg) cùng 4 vệ tinh nhỏ khác của Nhật và Mỹ đã được tách khỏi tên lửa đẩy HII-B để hướng vào qũy đạo.
Dự kiến 6 ngày tới, tàu HTV-3 sẽ tiếp cận và lắp ghép với trạm ISS. Các phi hành gia trên trạm sẽ vận chuyển F-1 sang module Kibo và đến tháng 9 vệ tinh sẽ bắt đầu sứ mệnh của mình là phát tín hiệu về trạm điều khiển mặt đất, chụp được ảnh độ phân giải 640x480 của Trái đất và tốc độ truyền dữ liệu từ vệ tinh đạt 1.200 bit/giây.
Khá thú vị, bên cạnh ý nghĩa khoa học, F-1 còn mang theo một lá cờ Việt Nam thu nhỏ và thẻ nhớ chứa tên cùng lời nhắn của hơn 7500 người quan tâm đến dự án F-1.
|
Không khí hồi hộp theo dõi phóng vệ tinh F-1 tại trụ sở FPT. Ảnh: N.Đ |
Tại sự kiện phóng vệ tinh, PGS Hugo Nguyễn đến từ Đại học Uppsala (Thụy Điển), người đã hỗ trợ FSpace nghiên cứu và chế tạo F-1 nhận định đây là sự kiện quan trọng đánh dấu năng lực chế tạo vệ tinh đầu tiên do chính những nhà nghiên cứu trẻ của một trường đại học Việt Nam thực hiện. Sự kiện này cũng góp phần ghi thêm dấu mốc cho ngành khoa học và công nghiệp vũ trụ của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng Đại học FPT, vệ tinh F-1 là bước đi thử nghiệm còn "khiêm tốn" của FPT, song đây là tiền đề để FPT tiếp tục triển khai dự án F-2 sau này hướng tới ứng dụng vào thực tiễn.
F-1 được FSpace nghiên cứu và chế tạo từ cuối năm 2008. Dự kiến vệ tinh này có thể làm nhiệm vụ trong không gian tối đa tới 250 ngày.
Theo Ictnews.vn