Cập nhật: 03/08/2012 |
Quyết tâm phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam |
|
Việt Nam đã thể hiện cam kết và quyết tâm nhất quán về việc phát triển điện hạt nhân với các dự án đầu tiên là Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, trong đó việc đảm bảo an toàn được xem là ưu tiên hàng đầu.
|
|
TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ KH&CN) cho biết tại Hội thảo “Thông tin, truyền thông về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam” do Cục Năng lượng nguyên tử tổ chức ngày 2/8 tại Hà Nội.
Theo TS Tuấn, sau sự cố Fukushima, một số nước đã tuyên bố sẽ chấm dứt sử dụng điện hạt nhân như Đức, Bỉ, Thụy Sĩ nhưng nhiều quốc gia khác như Hàn Quốc, Iran, Belarus, Trung Quốc… vẫn tiếp tục chương trình điện hạt nhân. Tại Nhật Bản, ngày 1/7 tổ máy Ohi-3 và đến ngày 18/7 tổ máy Ohi-4 đã tái khởi động và sắp tới sẽ có thêm nhiều tổ máy nữa hoạt động trở lại sau thời gian kiểm tra, bảo dưỡng. Theo Baodatviet.vn
|
TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử cho biết Việt Nam đã quyết tâm phát triển điện hạt nhân. (Trong ảnh TS Hoàng Anh Tuấn trình bày tham luận tại hội thảo) |
Tại Việt Nam, việc phát triển điện hạt nhân được xem là một lựa chọn tất yếu trong cơ cấu năng lượng của quốc gia. Hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận được xây dựng trên cơ sở các lò phản ứng nước nhẹ cải tiến thế hệ thứ 3 và 3+, có hệ số an toàn rất cao gấp hàng trăm lần so với các thế hệ lò trước đó.
Hiện nay, các chuyên gia Nga đã bắt đầu tiến hành khoan thăm dò, đo đạc, khảo sát địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Bên cạnh đó, việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực năng lượng nguyên tử nhằm đáp ứng nhu cầu chương trình phát triển điện hạt nhân cũng đã được tiến hành với tổng kinh phí thực hiện khoảng 3 nghìn tỷ đồng. Trong 2 năm 2010 và 201 đã có 99 sinh viên sang học ở Nga và năm 2012 sẽ có thêm 70 sinh viên nữa sang Nga theo học các chuyên ngành liên quan đến năng lượng nguyên tử.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến cho biết, Việt Nam có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời… song việc triển khai phát triển các nguồn năng lượng mang lại hiệu quả chưa ổn định bởi phụ thuộc vào tự nhiên. Hiện nay, trước nhu cầu sử dụng năng lượng ở Việt Nam ngày càng cao, việc phát triển điện hạt nhân được xem là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, điện hạt nhân đòi hỏi về độ an toàn, an ninh rất cao, nếu để xảy ra sự cố thì hậu quả rất lớn, do đó cần phải lựa chọn được công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất để đảm bảo sự an toàn cao nhất cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam.
Ngày 25/11/2009, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 1/2009/QH12 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận. Các cơ quan chức năng đang từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về an toàn và an ninh hạt nhân; đồng thời tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong hoạt động nghiên cứu, triển và hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; tăng cường hợp tác đào tạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân với Nga, Nhật Bản. Hiện nay, Việt Nam hợp tác chặt chẽ với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và một số tổ chức quốc tế khác như Hiệp định hợp tác vùng về nghiên cứu, phát triển và đào tạo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân (RCA), Diễn đàn hợp tác hạt nhân Châu Á (FNCA) trong việc hỗ trợ chuyên gia, viện trợ kỹ thuật, quản lý chất thải phóng xạ và chu trình nhiên liệu. Việt Nam cũng đã ký 7 hiệp định hợp tác song phương sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình và tham gia các điều ước quốc tế liên quan đến năng lượng nguyên tử.
|
|