|
Mike Rogers - người đứng đầu cuộc điều tra Huawei và ZTE. Ảnh: Internet |
Người đứng đầu cuộc điều tra kéo dài 11 tháng về Huawei và ZTE - Mike Rogers kiến nghị Tình báo Mỹ phải tập trung vào các nỗ lực mở rộng thị trường Mỹ của Huawei và ZTE, cũng như thông báo cho các công ty tư nhân về mối đe dọa gián điệp của hai công ty này mang lại.
Huawei là nhà sản xuất bộ định tuyến, chuyển mạch và thiết bị viễn thông lớn thứ hai thế giới về doanh thu, chỉ sau Ericsson của Thụy Điển trong khi ZTE xếp thứ năm. Trong mảng điện thoại di động, ZTE đứng thứ tư và Huawei xếp thứ sáu.
Khoảng 4% doanh số của Tập đoàn Huawei đến từ Mỹ, còn doanh thu từ Mỹ của ZTE chiếm khoảng 2-3%. Nguồn thu chủ yếu là từ việc bán thiết bị đi dộng qua các nhà mạng Mỹ như Verizon, Sprint và T-Mobile.
Huang Leping – chuyên gia của công ty chứng khoán Nomura nhận định: “Tác động sẽ hạn chế nếu báo cáo chỉ dẫn chiếu tới các thiết bị viễn thông, tuy nhiên nó lại là câu chuyện khác nếu các thiết bị di động cũng góp mặt. Huawei và ZTE đang dần giành được thị phần tại Mỹ.” Theo số liệu của ngành công nghiệp, trong thị trường điện thoại di động Mỹ - nơi đang do Apple và Samsung thống trị, ZTE xếp thứ sáu và Huawei xếp thứ tám.
Báo cáo của Ủy ban tình báo được phát hành trong bối cảnh có tin Huawei dự định phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO). Huawei được liệt vào danh sách “có vấn đề” nhiều năm nay. Phát ngôn viên của Huawei – William Plummer bác bỏ cáo buộc của Ủy ban và cho rằng các lời gợi ý về việc Huawei có thể phát sinh tội phạm ảo là vô căn cứ, “bỏ qua thực tế về thương mại và kĩ thuật, đe dọa việc làm và đổi mới của Mỹ... và nên được xem là sự rối loạn chính trị” về phía Mỹ. Về phần mình, ZTE lặp lại bức thư cho Ủy ban sau một phiên điều trần hồi tháng 9/2012, nhấn mạnh “hoàn toàn không đồng tình” với tuyên bố hãng bị dẫn dắt hay kiểm soát bởi Chính phủ Trung Quốc.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – Hong Lei hối thúc Mỹ nên “loại bỏ định kiến” khi giao dịch với Huawei và ZTE. Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, ông Lei cho rằng đầu tư của các công ty Trung Quốc vào Mỹ là biểu hiện của quan hệ kinh tế và thương mại song phương Trung-Mỹ.
Trong bản nháp báo cáo của Mỹ, cả Huawei và ZTE đều không đáp ứng được yêu cầu cung cấp những tài liệu, bao gồm cả thông tin chi tiết về quan hệ chính thống và tương tác pháp luật với các nhà chức trách Trung Quốc. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Mike Rogers phát biểu trên chương trình truyền hình 60 Minutes của đài CBS phát sóng hôm 7/10 rằng các công ty Mỹ đang cân nhắc giao dịch với Huawei nên “tìm đối tác khác nếu quan tâm tới tàn sản sở hữu trí tuệ, nếu quan tâm tới quyền riêng tư của người tiêu dùng và nếu quan tâm tới an ninh quốc gia”.
Ủy ban điều tra đã nhận được cáo buộc đáng tin cậy từ các chuyên gia công nghiệp và nhân viên Huawei cho thấy Huawei có dính líu tới hành vi hối lộ, tham nhũng và vi phạm bản quyền. Ủy ban lên kế hoạch chuyển các cáo buộc này tới Bộ Tư pháp và An ninh Quốc nội Hoa Kỳ. “Các nhà cung cấp mạng lưới và lập trình viên hệ thống được khuyến nghị mạnh mẽ tìm kiếm các nhà sản xuất khác cho dự án của mình.”
Tài liệu chỉ rõ cái gọi là nguy cơ an ninh dài hạn liên quan tới thiết bị và dịch vụ của công ty Trung Quốc song không nêu bằng chứng chi tiết. Những vấn đề này sẽ chỉ xuất hiện trong tài liệu mật. Dựa vào các thông tin được công khai, Huawei và ZTE “không thể được tin tưởng... và do đó đe dọa an ninh tới Mỹ và hệ thống”. Huawi và ZTE đang nhanh chóng trở thành “người chơi thống trị thị trường” trong lĩnh vực viễn thông, thứ kết hợp với máy tính điều khiển mạng lưới điện; hệ thống ngân hàng, tài chính; hệ thống nước, dầu, ga; vận chuyển và đường sắt.
Theo báo cáo, Huawei và ZTE có thể không phải hai hãng duy nhất đe dọa cơ sở hạ tầng Mỹ, tuy nhiên đây là hai tập đoàn quốc hữu lớn nhất đang tìm kiếm thị trường tại Mỹ. Báo cáo cho rằng Bắc Kinh có đủ “phương tiện, cơ hội và động lực” để lợi dụng cả hai cho mục đích riêng. Trước đây, quan chức tình báo Mỹ đã công khai tố cáo Trung Quốc là nước hoạt động gián điệp kinh tế mạnh nhất chống lại Hoa Kỳ.
Theo Ictnews.vn