Thứ ba, 24/12/2024
Translate
Tìm kiếm
Giới thiệu chung VEIA
English
Tin tức và sự kiện
Doanh nghiệp hội viên VEIA
Xúc tiến thương mại
Dịch vụ trực tuyến B2B
Thế giới công nghệ
Xã hội điện tử-thông tin
Văn bản pháp quy
Hội viên Hiệp hội điện tử
English News and Events
Đại hội VEIA IV
Tạp chí Điện tử Vietnet24h, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam
Thông tin thời tiết

  Cập nhật: 10/10/2012
Lại "nóng" chuyện cước kết nối điện thoại quốc tế chiều về

Bộ TT&TT và các doanh nghiệp viễn thông đã bàn về cách thức quản lý cước dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về. Rất nhiều phương án được đưa ra nhưng vẫn chưa có giải pháp khả thi nhất cho vấn đề này.

abc.jpg
Nếu các doanh nghiệp viễn thông không phá giá dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về, số tiền làm lợi được có thể lên tới hàng trăm triệu USD.

Doanh nghiệp thừa nhận cùng nhau phá giá

Vừa qua Báo Bưu điện Việt Nam đã đăng loạt bài phản ánh về tình trạng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về (VoIP quốc tế chiều về) đua nhau "phá nát" thị trường bằng việc phá giá để kéo lưu lượng về mình. Sau đó, lãnh đạo Bộ TT&TT đã chỉ đạo Cục Viễn thông phải có biện pháp xử lý vấn đề này để đảm bảo quyền lợi cho chính các doanh nghiệp và lợi ích quốc gia. Đến ngày 27/8/2012, Cục Viễn thông đã có văn bản yêu cầu tất cả các doanh nghiệp viễn thông báo cáo về vấn đề này.

Ngày 9/10/2012, Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ VoIP quốc tế chiều về để tìm cách xử lý vấn đề này. Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện Cục Viễn thông cho biết, trong thời gian qua Bộ TT&TT đã tiến hành nhiều buổi họp và đưa ra các chính sách, văn bản quản lý chặt hơn đối với dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về. Bộ TT&TT đã ban hành văn bản về tăng cường quản lý dịch vụ viễn thông quốc tế, trong đó yêu cầu: cung cấp dịch vụ VoIP chiều về trên cơ sở giá thành; nghiêm cấm bán phá giá, bù chéo, kinh doanh lậu lưu lượng và thực hiện nghiêm túc cơ chế báo cáo, đặc biệt với doanh nghiệp có thị phần khống chế. Đến tháng 3/2011, Bộ TT&TT ban hành tiếp công văn về thông báo giá thông thường và tỷ lệ % xác định việc phá giá thanh toán dịch vụ VoIP quốc tế chiều về, theo đó giá bán thông thường là 855 đồng/phút (khoảng 4,1 cent) và các doanh nghiệp nếu bán thấp hơn 15% so với mức giá này thì được xem là phá giá.

Đại diện Cục Viễn thông cho biết, sau khi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ VoIP quốc tế chiều về báo cáo số liệu thì hầu hết các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này đều không tuân thủ các quy định trên. Cụ thể, nếu tính giá trung bình quý I/2012, giá VoIP quốc tế chiều về là 2,95 cent/phút, quý II/2012 là 2,87 cent/phút và đến quý III chỉ còn 2,79 cent/phút. Như vậy, các doanh nghiệp đã phá giá dịch vụ này thấp hơn nhiều so với quy định, thậm chí có những doanh nghiệp đã phá giá đến mức bằng cước kết nối vào hai mạng của VNPT và Viettel.

Tại buổi làm việc này với Bộ TT&TT, các doanh nghiệp cho biết là việc phá giá dịch vụ VoIP quốc tế chiều về diễn ra ở tất cả các doanh nghiệp vì một lý do rất đơn giản là ai cũng muốn kéo lưu lượng về mình. Ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, hiện nay các đối tác nước ngoài có hệ thống tự động đổ lưu lượng về những doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam có cước kết nối VoIP quốc tế chiều về thấp nhất chứ không cần phải đàm phán như trước nữa. Vì vậy, các doanh nghiệp cả lớn cả nhỏ đua nhau phá giá dịch vụ này để có lưu lượng. "Trước đây, Viettel đã thử giữ giá dịch vụ VoIP quốc tế chiều về, thế nhưng sau đó lưu lượng của Viettel không có và chúng tôi phải đi đàm phán với các đối tác nước ngoài để họ đổ lưu lượng về. Nhưng bây giờ Viettel đã lớn thì không thể cứ chạy theo nhiều đối tác để đàm phán như trước được nữa. Vì vậy, các doanh nghiệp đã cùng nhau phá giá dịch vụ này", ông Lê Đăng Dũng nói.

Có thể làm lợi vài trăm triệu USD cho đất nước

Theo phân tích của một chuyên gia viễn thông, lưu lượng chiều về Việt Nam mỗi năm là 3 tỷ phút. Nếu các doanh nghiệp làm theo đúng cam kết giữ giá ổn định ở mức 4,1 cent/phút thì ngoại tệ mang về mỗi năm là 123 triệu USD. Nhưng hiện nay, khi doanh nghiệp cạnh tranh phá giá chỉ bán được 2,6 cent/phút thì số tiền mang về một năm cho các doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam chỉ là 78 triệu USD. Như vậy, mỗi năm các doanh nghiệp của Việt Nam đã "biếu không" các doanh nghiệp nước ngoài khoảng 45 triệu USD. Điều này gây tổn hại lợi ích của các doanh nghiệp viễn thông cũng như lợi ích quốc gia.

Trao đổi với Báo Bưu điện Việt Nam. nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ VoIP quốc tế chiều về cho biết là nếu các doanh nghiệp của Việt Nam biết bảo nhau thì không chỉ ngăn chặn được tình trạng phá giá dịch vụ gây thiệt hại như hiện nay mà còn có thể nâng cước kết nối lên. Một chuyên gia viễn thông cho biết, hiện nhiều nước trong khu vực có cước kết nối VoIP quốc tế chiều về gấp đôi của Việt Nam hiện nay.

Tại buổi họp nêu trên, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, mới đây có công ty tư vấn nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm rằng có thể đưa cước kết nối VoIP quốc tế chiều về của Việt Nam lên từ 10 đến 12 cent/phút. Tuy nhiên, để làm được như vậy thì phải quản lý được giá cước kết nối dịch vụ VoIP quốc tế chiều về. "Lưu lượng quốc tế chiều về của Việt Nam có  khoảng 3 tỷ phút/năm, nếu chúng ta nâng lên được 10 cent/phút thì sẽ thu về vài trăm triệu USD/năm. Tuy nhiên, nếu để cước kết nối VoIP quốc tế chiều về quá cao thì có thể người ta sẽ sử dụng Skype hoặc Viber (các phần mềm gọi điện thoại miễn phí qua Internet-PV) vì Việt Nam có Wifi miễn phí khắp nơi", ông Phạm Hồng Hải nói.  

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng, việc phá giá cước dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về sẽ ảnh hưởng đến lợi ích doanh nghiệp và quốc gia. Vì thế, các doanh nghiệp đều thống nhất cần có nhiều biện pháp quản lý giá cước kết nối điện thoại quốc tế chiều về. Bộ TT&TT đã có những quy định và động thái quản lý dịch vụ này như quy định mức giá cước là 4,1 cent (855 đồng)/phút và không thấp hơn 3,4 cent (726 đồng)/phút, nhưng các doanh nghiệp vẫn phá mức sàn. Nếu bắt doanh nghiệp nhỏ bán bằng giá doanh nghiệp lớn thì lưu lượng sẽ đổ về doanh nghiệp lớn. Nhưng nếu doanh nghiệp nhỏ hạ giá nhiều thì lưu lượng sẽ dồn hết về doanh nghiệp nhỏ. Vì vậy, cần xác định tỷ lệ chênh lệch mức giá giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ là bao nhiêu để doanh nghiệp lớn và nhỏ đều có lưu lượng. Cái gốc của vấn đề là các doanh nghiệp phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, trong đó bản thân doanh nghiệp phải ngồi với nhau thống nhất, quyết tâm cùng thực hiện đúng quy định mà Bộ đã đề ra. Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ và Cục Viễn thông cần tăng cường kiểm tra giám sát quy định đã ban hành để đảm bảo các quy định được tuân thủ nghiêm túc.  

Có thể sẽ rút giấy phép đối với doanh nghiệp vi phạm

Ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho rằng, việc quản lý cước dịch vụ kết nối VoIP quốc tế chiều về hiện nay là rất khó. Nếu giá dịch vụ kết nối VoIP quốc tế chiều về của cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ ngang nhau thì lưu lượng sẽ đổ về hai doanh nghiệp lớn là VNPT và Viettel. Nhưng nếu để giá cước dịch vụ kết nối VoIP quốc tế chiều về của doanh nghiệp nhỏ thấp hơn của doanh nghiệp lớn thì lưu lượng lại đổ về các doanh nghiệp nhỏ.

Ông Hoàng Sỹ Hóa, Tổng giám đốc SPT thừa nhận các doanh nghiệp lớn như VNPT và Viettel vẫn có ưu thế trong kinh doanh dịch vụ này bởi họ có hạ tầng. Hiện giá cước dịch vụ kết nối VoIP quốc tế chiều về chỉ còn 2,6 cent/phút nên SPT đã không còn kinh doanh dịch vụ này nữa vì lỗ.

Ông Nguyễn Minh Khánh, Phó Tổng giám đốc Đông Dương Telecom cho rằng việc các doanh nghiệp đua nhau phá giá dịch vụ kết nối VoIP quốc tế chiều về thiệt hại cho cả chính doanh nghiệp và nhà nước. "Đối với Viettel và VNPT thì việc kinh doanh dịch vụ kết nối VoIP quốc tế chiều về không mấy quan trọng vì họ vẫn còn có khoản thu từ cước kết nối vào mạng công cộng khi lưu lượng quốc tế đổ về. Nhưng nếu vì mục tiêu chung của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này thì các doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau để thống nhất giá để đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp. Nếu tình trạng phá giá dịch vụ này tiếp tục xảy ra thì thị trường có lẽ chỉ còn Viettel và VNPT kinh doanh mà thôi", ông Nguyễn Minh Khánh nói.

Đồng tình với quan điểm này, đại diện FPT Telecom và CMC cũng khẳng định Bộ TT&TT cần quản lý giá dịch vụ kết nối VoIP quốc tế chiều về chặt chẽ để tránh tình trạng trên.

Để ổn định thị trường này, bà Trịnh Minh Châu, Tổng giám đốc Hanoi Telecom cho rằng, Bộ TT&TT cần siết chặt quản lý bằng cách chia quota (hạn mức) dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về cho các doanh nghiệp.

Cũng tại buổi họp này, ông Lê Hữu Phương, Phó Chánh Thanh tra Bộ TT&TT cho biết, với việc các doanh nghiệp đua nhau phá giá dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về, sắp tới Thanh tra sẽ ra tay mạnh để xử phạt. Mức xử phạt theo quy định sẽ từ 30 đến 50 triệu đồng, nếu doanh nghiệp vẫn tái phạm sẽ xử phạt tiếp. Ông Phương còn cho biết thêm, theo Nghị định mới quy định về xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực viễn thông, sẽ thiên về hình phạt bổ sung là rút giấy phép cung cấp dịch vụ. Vì vậy, sắp tới Thanh tra sẽ xem xét đến cả khả năng rút giấy phép các doanh nghiệp vi phạm trong kinh doanh dịch vụ này.

Theo Ictnews.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam
Hội Tin học Việt Nam
VAA
Hội tin học Thành Phố Hồ Chí Minh
Công ty TNHH MTV Hanel
Công ty CP Minh Việt
Trung tam TKNL Hanoi (ECC Hanoi)
Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng An Phát



www.veia.org.vn

HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP ĐIỆN TỬ VIỆT NAM
Trụ sở chính: Tầng 11, Tòa nhà MIPEC TOWER 229 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội.
Tel: (84-4) 39332845 Fax: (84-4) 39332846
Email: hiephoidientu@veia.org.vn, Website: www.veia.org.vn

.Designed by Intecom ( Minh Việt JSC and HanelCom )