|
Với sự tham gia của doanh nghiệp nội dung như VTC Online, FPT Online... nhiều người kỳ vọng vào sự gia tăng lượng địa chỉ IPv6 sử dụng thực tế trong thời gian tới. |
Người dùng IPv6 tăng trưởng mạnh khi Google, Facebook "bật" IPv6
Tại Hội thảo “Ngày IPv6 Việt Nam” vừa được tổ chức tại TP.HCM, ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết, sau gần 1 năm kể từ khi các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) cùng hơn 3.000 website, trong đó có những trang web hàng đầu thế giới trên Bảng xếp hạng Alexa như Facebook, Google, Yahoo và Microsoft Bing... chuyển sang sử dụng mặc định địa chỉ IPv6 vào ngày 6/6/2012, tỷ lệ sử dụng địa chỉ IPv6 trên thế giới đã tăng trưởng nhanh chóng. Cụ thể, lượng địa chỉ IPv6 được sử dụng ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương (khu vực đầu tiên cạn kiệt địa chỉ IPv4) tăng từ 16 - 20%; hay tại Mỹ, lượng người dùng IPv6 tăng từ 0,6% lên 2,5% (tương đương 6 triệu người sử dụng), trong đó 26,25% lượng người dùng mạng không dây của nhà mạng Verizon đang dùng IPv6.
Cùng quan điểm, ông Vũ Thế Bình - Tổng Giám đốc Công ty Netnam nhận định: Việc "bật" kết nối mặc định IPv6 của các doanh nghiệp nội dung lớn đã tạo ra sự tăng trưởng đột phá về lượng dùng địa chỉ mới này. Tiêu biểu như trạm trung chuyển Internet DE-CIX ở Đức đã chứng kiến sự tăng trường lưu lượng IPv6 từ mức 2Gbps lên 13,6 Gbps, hay Google cũng đã tăng lưu lượng truy nhập dịch vụ IPv6 từ 0,4% lên 1,4%.
Dù trong năm 2012, Việt Nam được đánh giá với mức độ 12% mạng lưới có khả năng đáp ứng với lưu lượng IPv6 nhưng theo ông Thắng và ông Bình, lượng sử dụng IPv6 thực tế còn rất thấp, thời điểm cao nhất chỉ khoảng gần 0,04% (tháng 1/2012). Nguyên nhân chủ yếu do mức độ hưởng ứng những hoạt động về IPv6 của các DN chưa đồng đều, nhất là thiếu sự tham gia của các DN nội dung.
Các DN nội dung bắt đầu "ra quân"
Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp nội dung lớn như FPT Online/FPT Telecom, VTC Online đã có những chuyển biến tích cực hơn trong việc tham gia hưởng ứng các hoạt động về IPv6. Trao đổi với phóng viên ICTnews, ông Phan Anh Tuấn, Giám đốc Công nghệ Công ty VTC Online cho biết, trong tháng 4/2013, VTC Online đã triển khai bật dịch vụ IPv6 song song với IPv4 (dual-stack) trên tất cả các dịch vụ trực tuyến mà đơn vị này đang cung cấp từ game online, thương mại điện tử, mạng xã hội, xem phim cho đến dịch vụ nghe nhạc… “Vì vậy, 20 triệu người dùng của VTC Online (chiếm khoảng 2/3 người dùng Internet ở Việt Nam - PV) đã có thể truy cập các dịch vụ của đơn vị này qua địa chỉ IPv6”, ông Tuấn cho biết thêm.
Cũng theo ông Tuấn, việc thử nghiệm “bật” địa chỉ IPv6 sớm trên các dịch vụ thực tế của VTC Online sẽ giúp khắc phục ngay những sự cố có thể xảy ra khi lượng người dùng IPv6 chưa nhiều. Ngoài ra, sở dĩ VTC Online phải chuyển đổi sớm địa chỉ IPv6 là do sắp tới khi các DN phần cứng đưa ra những thiết bị chỉ chạy trên địa chỉ IPv6 sẽ không thể truy cập được các dịch vụ của VTC Online. “Do trong thời gian tới, việc bật song song địa chỉ IPv6 trên các website của mình là điều bắt buộc nên doanh nghiệp nội dung nào càng triển khai sớm dịch vụ IPv6 thì mức độ ảnh hưởng đến người dùng dịch vụ sẽ càng nhỏ”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Tại Hội thảo này, đại diện FPT Telecom cho biết, đơn vị đã triển khai “bật” IPv6 trên một số dịch vụ đang cung cấp cho khách hàng như game online, báo điện tử, dịch vụ lưu trữ trực tuyến Fshare hay trên thiết bị FPT Play HD.
Tương tự chuyện “con gà - quả trứng”, một câu hỏi được đặt ra là DN nội dung (CP) hay DN cung cấp dịch vụ Internet (ISP) sẽ phải chuyển đổi trước. Với câu hỏi này, ông Thắng cho rằng, để tăng lượng sử dụng IPv6, cả CP và ISP đều phải cùng chuyển đổi, sử dụng IPv6. Bởi vì, việc chuyển đổi sang IPv6 không chỉ để bù đắp không gian địa chỉ IPv4 đã hết mà còn vì sự phát triển bền vững của Internet, khi mà sự gia tăng của các thiết bị kết nối Internet đang tạo ra một môi trường thông tin mới.
Vì vậy, với sự tham gia mạnh mẽ của các DN nội dung đang sở hữu những cộng đồng người dùng Internet lớn (mạng xã hội Go.vn, báo điện tử Vnexpress..) như FPT Online/FPT Telecom, VTC Online… nhiều người đã kỳ vọng vào sự tăng trưởng vượt bậc số lượng người dùng IPv6 ở Việt Nam giống như câu chuyện đã xảy ra trên thế giới trong gần 1 năm qua.
Theo Ictnews.vn