|
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục ứng dụng CNTT trình bày báo cáo tóm tắt về hiện trạng Chính phủ điện tử tại Việt Nam. |
Ngày 17/5, tại văn phòng phía Nam Bộ TT&TT ở TP.HCM đã diễn ra hội nghị về vai trò của ngành TT&TT trong việc triển khai ứng dụng CNTT để đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức các tỉnh phía Nam. Tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục ứng dụng CNTT đã báo cáo tóm tắt về hiện trạng Chính phủ điện tử (CPĐT) tại Việt Nam trong thời gian qua và định hướng phát triển thời gian tới.
Theo đó, về hiện trạng CPĐT, ở lĩnh vực ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả như: tất cả các cơ quan ngang Bộ (22/22) và các tỉnh thành phố (63/63) có Trang/ Cổng thông tin điện tử. Đa số các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 2. Nhiều cơ quan ứng dụng CNTT tại bộ phận một cửa, giúp tăng năng suất, hiệu quả xử lý thủ tục hành chính. Một số hệ thống thông tin chuyên ngành bắt đầu có hiệu quả như thuế, hải quan…
Còn về ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước cũng tiến triển tốt, cụ thể, nhiều văn bản cấp cao quy định trao đổi văn bản giữa các cơ quan nhà nước đã được ban hành; 59% Bộ, cơ quan ngang Bộ, 36,5% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành văn bản quy định về quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý văn bản điện tử trong nội bộ cơ quan. Tỷ lệ các cơ quan triển khai hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành khá cao - khoảng 90% các đơn vị trực thuộc các Bộ, Sở, ngành, quận, huyện đã trang bị hộp thư điện tử và hầu hết các Bộ, cơ quan ngang Bộ, văn phòng UBND tỉnh, trên 60% quận, huyện đã trang bị hệ thống quản lý văn bản điều hành.
Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp còn một số tồn tại như phần lớn dịch vụ công trực tuyến đều ở mức độ 1, 2. Số lượng dịch vụ công mức độ 3 tuy tăng hàng năm nhưng vẫn còn ít (không quá 1% dịch vụ công trực tuyến). Các hệ thống thông tin chưa kết nối rộng, nhiều cửa. Riêng ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước vẫn còn nhược điểm như thiếu văn bản pháp lý quy định quy trình xử lý, trao đổi, lưu trữ văn bản điện tử; tỉ lệ trao đổi văn bản qua mạng còn thấp, chưa tận dụng hết hiệu quả hệ thống thông tin hệ thống hiện có; chữ ký số chưa được sử dụng rộng rãi; việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước còn hạn chế.
Về tầm nhìn CPĐT trong thời gian tới, ông Phúc cho biết, giai đoạn 2013 - 2015 sẽ tập trung ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3, từ 2016 đến 2020 sẽ hình thành Chính phủ kết nối.
Nhiều mục tiêu cụ thể được đặt ra trong giai đoạn 2013 - 2015 như: 10% dịch vụ công trực tuyến ở mức 3; 50% hồ sơ khai thuế đều tiến hành trực tuyến; Thí điểm hộ chiếu điện tử tại Hà Nội; 10% hồ sơ cấp phép xây dựng nộp trực tuyến; 90% cơ quan hải quan điện tử; 80% văn bản trao đổi nội bộ là điện tử ở cấp cơ sở trong cơ quan. Đặc biệt là đến hết giai đoạn này, 100% văn bản trình Chính phủ đều ở dưới dạng điện tử cùng với văn bản giấy…
Để đạt được điều đó, trong giai đoạn 2013 - 2015 sẽ tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như: cải cách hành chính; nâng cao hiệu quả, năng suất hoạt động nội bộ; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; hoàn thành khung pháp lí; xây dựng, ban hành các chuẩn quy định về CPĐT…
Theo Ictnews.vn