|
Toàn cảnh hội thảo tổng kết thí điểm xây dựng bản đồ và ứng dụng GIS tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
|
Ngày 6/6/2013, Sở TT&TT Đà Nẵng (DNDIC) phối hợp với các công ty Hitachi Solutions (HISOL), Zenrin (ZRN) - Nhật Bản, Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT (FIS) tổ chức hội thảo tổng kết thí điểm xây dựng bản đồ và ứng dụng GIS tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng phát biểu: “Thông tin địa lý (GIS) là 1 ứng dụng quan trọng để quản lý kinh tế - xã hội và là nhu cầu ứng dụng không thể thiếu được trong tất cả các hệ thống thông tin phục vụ chính quyền điện tử. Việc ứng dụng GIS vào quản lý kinh tế - xã hội nói chung và quản lý hoạt động của các cơ quan nhà nước nói riêng là nhu cầu bức thiết, là mong muốn của tất cả các sở ban ngành trên địa bàn”.
Cách đây hơn 1 năm, vào ngày 14/5/2012, các bên đã cùng nhau ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) trong lĩnh vực phát triển, xây dựng Bản đồ số, với mong muốn ứng dụng Bản đồ vào việc quản lý, vận hành các hệ thống GIS trong tương lai như phòng chống thiên tai, quản lý giao thông, quản lý cơ sở hạ tầng cho TP Đà Nẵng. Theo nội dung hợp tác, với sự hỗ trợ kinh phí khoảng 30.000 USD từ Bộ Kinh tế Công thương Nhật Bản, HISOL và ZRN đã điều tra mẫu về tên dường, thông tin địa chỉ, tên tòa nhà... để làm bản đồ chi tiết khu vực 10 km2 lân cận Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai, đường Nguyễn Văn Linh. Kết quả điều tra mẫu bước đầu này đã xác đinh được thực tế hiện trạng thông tin số nhà, bản đồ, phương pháp cập nhật dữ liệu, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch và tính toán chi phí để triển khai diện rộng.
Tiếp nối thành quả của việc điều tra mẫu trên, từ tháng 1 đến tháng 5/2013, Sở TT&TT Đà Nẵng với sự tài trợ toàn bộ kinh phí của HISOL, ZRN, FIS đã xây dựng Dự án thí điểm bản đồ và ứng dụng GIS cho toàn địa bàn quận Hải Châu với tổng diện tích là 24km2, ước tính gần 50.000 căn nhà.
Ngoài phương pháp đi bộ đến từng nhà để thu thập thông tin, sử dụng bản đồ địa hình hiện có và ảnh vệ tinh mới nhất để đối chiếu, cập nhật dữ liệu bản đồ, các bên cũng cử đại diện đến làm việc tại một số sở, ban, ngành, UBND quận Hải Châu và các phường thuộc quận nhằm thu thập thông tin, dữ liệu bản đồ và khảo sát nhu cầu ứng dụng bản đồ vào công tác quản lý của từng đơn vị.
Trên cơ sở đó, cập nhật hoàn thiện bản đồ chi tiết quận Hải Châu gồm các lớp bản đồ về ranh giới hành chính, đường giao thông, nhà, bảng vẽ quy hoạch, nút tín hiệu giao thông, tuyến xe buýt, điểm ATM, trạm BTS, trạm xe buýt, nút lấy nước chữa cháy, bưu điện, trạm xăng, bệnh viện, trường học, khách sạn, chợ... và một số tính năng phục vụ khai thác thông tin bản đồ như: tìm vị trí, xem thuộc tính, xác định khoảng cách, diện tích...
Với các tính năng như tra cứu tìm địa điểm một cách chính xác cụ thể đến từng số nhà; chức năng quản lý thông tin thuộc tính các tài sản thiết bị, công trình giao thông, viễn thông,… cứu thương cứu hỏa (đường sá, biển báo giao thông, trạm xe buýt, antennes, trạm BTS, họng nước cứu hỏa,...); chức năng quản lý thông tin thuộc tính các công trình nhà ở, công trình công cộng xã hội (trường học, bệnh viện, bưu điện, nhà hàng,…), cùng các thông tin quy hoạch chuyên ngành… bản đồ chi tiết GIS thực sự mang tính ứng dụng cao, không chỉ hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước của các đơn vị mà còn thỏa mãn nhu cầu tra cứu của người dân.
|
Bản đồ số quận Hải Châu, Tp Đà Nẵng. |
Đánh giá sự thành công của dự án, ông Phạm Kim Sơn cho rằng: Bản đồ số và ứng dụng GIS sẽ mở ra triển vọng lớn đối với chính quyền TP Đà Nẵng trong việc sử dụng GIS vào công tác quản lý kinh tế - xã hội.
Ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết: "Là đơn vị đầu tiên được thụ hưởng thành công của dự án, bản đồ số và ứng dụng GIS sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho UBND quận trong công tác quản lý hành chính, cũng như góp phần triển khai thực hiện chính quyền điện tử".
Trong thời gian tới, Sở TT&TT và các sở, ngành, quận/huyện của TP Đà Nẵng tiếp tục hợp tác với HISOL, ZRN, FIS để giải quyết các vấn đề gặp phải khi triển khai bản đồ số và ứng dụng GIS; Lập kế hoạch triển khai chỉnh lý bản đồ của toàn TP và triển khai các ứng dụng GIS cũng như xúc tiến lập đề án xây dựng Trung tâm thông tin địa lý TP Đà Nẵng, vận động kinh phí tài trợ từ nguồn vốn ODA để triển khai.
Theo Ictnews.vn