|
Những ưu đãi trong đó có chính sách thuế cho doanh nghiệp có vốn nước ngoài là một yếu tố thúc đẩy Samsung xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại thứ 2 ở Việt Nam hồi tháng 3 năm nay. Ảnh: Theo VTV |
Hiện đang có nhiều ý kiến cho rằng, bất cập lớn nhất trong chính sách thuế mặt hàng ICT là hàng nhập khẩu nguyên chiếc thì được hưởng thuế suất bằng 0, còn nếu nhập linh kiện rời rạc về lắp ráp thì có thuế. Điều này đang đi ngược lại với mục tiêu dùng thuế làm công cụ để bảo hộ doanh nghiệp trong nước. Thực tế chính sách bất hợp lý này ảnh hưởng rất lớn đến ngành công nghiệp điện tử, viễn thông trong nước vì sẽ không thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.
Ông Tạ Quang Sơn - Tổng giám đốc Công ty Điện tử Hanel cho rằng, bất hợp lý về thuế đã tồn tại quá lâu và chính điều này là một trong những nguyên nhân "bóp chết" ngành lắp ráp điện tử trong nước. "Hầu như các doanh nghiệp điện tử trong nước không còn sản xuất gì cả, mà họ tìm cách cho ra các sản phẩm "made in dán tem ngoại" để hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu. Nhà nước nên nhanh chóng giảm thuế linh kiện xuống 0% để khuyến khích các doanh nghiệp nội lắp ráp điện tử", ông Sơn nói.
Lẽ thường chính sách thuế phải là công cụ để bảo hộ các doanh nghiệp trong nước nhưng chính sách thuế ở nước ta đang đi ngược lại. Các nhà đầu tư nước ngoài được hưởng rất nhiều ưu đãi về thuế như: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 15 năm, ưu đãi về thuế sử dụng đất tại các khu công nghiệp, được hưởng mức thuế bằng 0% với hàng điện tử nhập khẩu nguyên chiếc. Ông Sơn than vãn: "Điều vô lý nhất tồn tại bấy lâu nay là các công ty trong nước đang phải kêu khóc với Chính phủ ("bố mẹ" của mình) là hãy cho "con" hưởng ưu đãi bằng với các doanh nghiệp nước ngoài (toàn là những "đại gia" như Samsung, Panasonic, Sony, Canon).
Tương tự, ông Trần Đình Hùng - Phó Tổng giám đốc VNPT Technology cũng chia sẻ, với sản phẩm vật tư, linh kiện phụ trợ phục vụ cho lắp ráp hàng điện tử, viễn thông, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chưa sản xuất được và đến 5 - 7 năm nữa chắc chắn chưa sản xuất được. Khi VNPT Technology nghiên cứu sản xuất điện thoại thì thấy nghịch lý là: điện thoại nhập khẩu thuế bằng 0%, nhưng nhập linh kiện về lắp ráp điện thoại thì trong số 230 loại linh kiện có tới 70% phải chịu thuế, có những mặt hàng thuế nhập khẩu lên đến 25-30%. "Thuế cộng với chi phí nhân công thì hàng lắp ráp trong nước không thể rẻ hơn hàng nhập khẩu được", ông Hùng nói.
Trong lĩnh vực sản xuất đầu thu truyền hình kỹ thuật số, một sản phẩm sẽ được dùng rất nhiều khi Việt Nam thực hiện số hóa truyền hình từ năm 2015. Ông Hoàng Lê Sơn - Giám đốc VTC Digital cho hay, trước đây VTC đã có kế hoạch liên kết với một số doanh nghiệp điện tử Hàn Quốc mở nhà máy sản xuất đầu thu truyền hình số tại Việt Nam, song kế hoạch này bị đình lại cũng vì chính sách thuế. Nếu nhập khẩu đầu thu truyền hình số nguyên chiếc thì thuế bằng 0% nhưng nếu nhập linh kiện về lắp ráp trong nước thì hầu hết linh kiện đều có thuế. "Khó có thể cạnh tranh về giá với hàng nhập ngoại nếu cứ kéo dài chính sách thuế vô lý này', ông Sơn nói.
Giải thích về bất hợp lý này, theo bà Trần Thị Bích Ngọc - Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), tình trạng thuế nhập khẩu hàng điện tử, CNTT nguyên chiếc lại thấp hơn thuế nhập khẩu linh kiện là do cam kết WTO và ITA trước đây có rất nhiều mặt hàng điện tử, viễn thông và CNTT Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu bằng 0, hoặc là áp mức thuế thấp. Cho nên không thể tăng thuế hàng nhập khẩu nguyên chiếc vì không phù hợp với cam kết trong WTO và ITA.
Hiện nay, còn khoảng 300 mặt hàng linh kiện điện tử, viễn thông và CNTT có thuế, đến 2014 giảm xuống còn hơn 100 mặt hàng, 2019 chỉ còn vài chục mặt hàng có thuế. Ông Tạ Quang Sơn đề nghị, nếu chính sách thuế không thể bảo hộ được các doanh nghiệp nội thì nên mở cửa luôn, không cần phải giảm thuế theo lộ trình để gỡ khó cho doanh nghiệp.
Còn ông Hùng đề nghị, nhà nước cần giảm thuế suất bằng 0% cho các loại linh kiện, vật tư trong nước chưa sản xuất được. Đồng thời, giảm thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ cho dây chuyền sản xuất hàng điện tử, viễn thông và CNTT ở mức thấp nhất nhằm thúc đẩy doanh nghiệp nội sản xuất trong nước.
Theo Ictnews.vn