Cập nhật: 11/07/2013 |
TGĐ FPT Trương Gia Bình: "Cấm chơi game là kéo lùi đất nước" |
|
"Trong khi Singapore tôn vinh những người chơi game thì Việt Nam lại có quan điểm xem game như ma túy. Nếu cấm game sẽ kéo lùi Việt Nam lại so với sự phát triển của quốc tế", Tổng Giám đốc FPT Trương Gia Bình nói.
|
|
|
Nên tìm cách quản lý để kích thích những hiệu quả tích cực, giảm thiểu tác hại của game, thay vì cấm tuyệt đối không cho chơi game. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.. |
Ông Trương Gia Bình nói rằng đã có rất nhiều ý kiến, bài phát biểu tại Việt Nam cho rằng game online (trò chơi trực tuyến) còn tệ hại hơn ma túy và phải cấm chơi game. Trong khi đó, tại Singapore các gamer (người chơi game) lại rất được tôn vinh. Game (gồm cả online/offline) được tính là môn thể thao điện tử (esport) và nhà vô địch game được xem như những “hot boy, hot girl”, thậm chí còn nổi tiếng hơn cả cầu thủ bóng đá. Còn tại Sillicon Valley, một câu hỏi thường được các nhà tuyển dụng đặt ra khi tuyển người là “anh chơi game ở level (cấp độ) mấy”, nếu không có level nào thì không bàn tiếp việc tuyển dụng.
Ông Bình cũng đưa ra gợi ý để quản lý được những tiêu cực phát sinh từ game. Đó là mỗi người chơi sẽ có một mã số riêng. Mã số này sẽ được kết nối vào hệ thống quản lý để kiểm soát thời lượng, nội dung các trò chơi… Dĩ nhiên sẽ có những trường hợp gian dối như mượn mã số của người khác để chơi. Nhưng cũng có thể kiểm soát được tốt hơn hoạt động của người chơi game, giúp đất nước không bị tụt hậu so với thế giới.
Cách đây ít lâu, trao đổi với báo giới, TS. Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học Việt Nam) đã từng chia sẻ quan điểm khẳng định tự thân game online (trò chơi trực tuyến) không phải là xấu. Thậm chí nó còn là sản phẩm siêu việt, là thành tựu trí tuệ con người, của CNTT và công nghệ nội dung số. Chính quyền không thể xem game online là một thứ “bạch phiến số” hay ma tuý trong lĩnh vực công nghệ điện tử.
Tại Hội thảo nâng cao hiệu quả công tác quản lý trò chơi trực tuyến do Bộ TT&TT tổ chức tại Hà Nội vào ngày 3/7 vừa qua, nhiều đại biểu tham dự hội thảo, game có các yếu tố tích cực như giúp người chơi rèn luyện phản xạ, kích thích sử dụng máy tính, thúc đẩy phát triển tin học, rèn luyện kỹ năng, kết hợp giải trí, giáo dục đào tạo, mở mang trí tuệ… Bên cạnh đó cũng có mặt tiêu cực như chơi game quá độ gây ra mệt mỏi, thậm chí người chơi bị nghiện đắm chìm vào thế giới ảo gây tệ nạn, mất an ninh trật tự vì vật phẩm trong game. Nhưng các cơ quan truyền thông khi phản ánh lại chủ yếu hướng vào tiêu cực là chính và thường không tìm hiểu rõ bản chất sự việc.
Theo Ictnews.vn
|