Trong một bài viết về tình hình kinh doanh 5 tháng đầu năm 2013 của FPT trên tờ Chúng ta – một tập san nội bộ của tập đoàn FPT, tập đoàn này công bố đạt mức lợi nhuận trước thuế 968 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch của 5 tháng và tương đương với mức 37% kế hoạch của cả năm nay. Mức lợi nhuận sau thuế được công bố là 796 tỷ đồng, tương đương 36% kế hoạch năm. Trong khi mức lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) sau 5 tháng đạt 2.162 đồng/cổ phiếu, tương đương 35% kế hoạch cả năm. Liệu có nên lạc quan về thành tích kinh doanh của FPT trong năm nay khi những chỉ số của 5 tháng đầu năm dường như đều ở mức tốt.
Dàn trải, một nửa mảng kinh doanh gặp khó
Tuy nhiên, một báo cáo phân tích kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm của FPT được Công ty Chứng khoán SSI phân tích, chỉ ra những vấn đề kém lạc quan hơn nhiều. Theo nhóm chuyên gia phân tích của SSI, FPT đã công bố doanh thu và lợi nhuận trước thuế 5 tháng đầu năm 2013 đạt 9.793 tỷ đồng và 796 tỷ đồng, tương ứng với các mức tăng 4% và 1% so với cùng kỳ năm trước, nghĩa là tương đương 4 tháng đầu năm 2012. Trong 5 tháng đầu năm nay, FPT mới chỉ hoàn thành 36% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của cả năm 2013. Công ty kinh doanh ngoài ngành nhiều hơn ngành cốt lõi này vẫn chưa cho thấy bất kỳ dấu hiệu cải thiện nào về tình hình hoạt động. Việc này có thể sẽ mang lại nhiều quan ngại cho các nhà đầu tư và cổ đông cả trong lẫn ngoài nước của FPT về khả năng hoàn thành kế hoạch năm của họ.
Nếu đi sâu “mổ xẻ” từng lĩnh vực kinh doanh của công ty sẽ thấy, nhận định của SSI không phải không có cơ sở. Đầu tiên là doanh thu từ mảng thương mại tiếp tục giảm 11% trong 5 tháng đầu năm 2013 so với cùng kỳ của năm 2012. Lợi nhuận trước thuế của mảng này mặc dù ghi nhận mức tăng 5%, nhưng sẽ sớm trở thành một vấn đề lớn nếu như tình hình toàn thị trường không được cải thiện trong 6 tháng cuối năm. Lợi nhuận từ mảng tích hợp vẫn tăng trưởng âm 12% trong 5 tháng đầu năm, với giá trị hợp đồng ký kết giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tụt dốc này khiến cho mục tiêu giữ nguyên mức lợi nhuận của toàn tập đoàn trong cả năm cũng trở nên “xa vời”, theo phân tích của SSI. Tiếp đến, mảng kinh doanh trực tuyến cũng bị giảm tới 34%, chủ yếu do nhu cầu về quảng cáo trực tuyến sụt giảm. Nếu ban lãnh đạo công ty không sớm tìm ra các giải pháp hữu hiệu để cải thiện tình hình, sẽ không ngạc nhiên khi công ty này không thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 19% vào thời điểm kết thúc năm.
Một nhà phân tích tài chính nói với Doanh Nhân rằng, thời điểm này rất khó nói đâu là lĩnh vực cốt lõi (core business) của FPT, bởi dường như lĩnh vực nào FPT cảm thấy có thể thu được lợi nhuận là họ lại nhảy vào. Điển hình là giáo dục. Các nhà đồng sáng lập ban đầu và những nhà điều hành đã rời công ty có lẽ cũng ngạc nhiên khi biết, công ty vốn tự định vị là nhà kinh doanh phần mềm số 1 Việt Nam ngày nào, giờ lại đầu tư vào cả giáo dục. Đáng lo ngại là những lĩnh vực “tay ngang” – như giáo dục chẳng hạn, phần lớn chỉ mang tới… nỗi buồn cho cổ đông của tập đoàn. Dẫn chứng là mức tăng trưởng doanh thu ở mảng giáo dục bị âm và chỉ hoàn thành 37% kế hoạch trong 5 tháng đầu năm nay. Những bài học thất bại đau đớn về việc lấn sân sang ngân hàng (TienPhong Bank – đã bán cổ phần cho Doji), chứng khoán (FPT Securities) và cả bất động sản (FPT Land) chưa đủ làm Hội đồng quản trị FPT tỉnh ngộ?
“Do tính chất ổn định của mô hình giáo dục, chúng tôi nghi ngờ mảng này khó có thể hoàn thành kế hoạch 160 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2013”, báo cáo của SSI phân tích.
Sự đầu tư dàn trải ở công ty với 20.000 nhân viên này tương đối khó hiểu nếu nhìn vào kết quả hoạt động trong những lĩnh vực vốn là thế mạnh từ lâu của họ – viễn thông, phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin. Ba mảng này cùng có kết quả kinh doanh tốt hơn dự kiến. Các chuyên gia am hiểu FPT đang tỏ ra lo ngại trước thực trạng đầu tư dàn trải của công ty, bởi vì hơn một nửa số mảng kinh doanh đang gặp khó khăn.
Kịch bản xấu cuối năm?
Theo phân tích của giới tài chính, FPT cần điều chỉnh lại hoạt động để gấp rút hoàn thành kế hoạch trong 6 tháng cuối năm nếu muốn đạt được mục tiêu lớn trong năm. Báo cáo của SSI cũng phản ánh thái độ thận trọng trước kết quả kinh doanh của FPT. Công ty chứng khoán này cho biết, họ giữ nguyên mức ước tính doanh thu, lợi nhuận trước thuế và EPS của FPT ở mức lần lượt là 27.386 tỷ đồng, 2.680 tỷ đồng và 6.231 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu FPT có giá mục tiêu 6 tháng là 50.000 đồng/cổ phiếu và giá mục tiêu 1 năm là 56.000 đồng/cổ phiếu dựa trên định giá thấp so với cả thị trường và so với các mã chứng khoán thuộc nhóm “bluechip” khác. Trong kịch bản xấu nhất, khi mảng tích hợp và giáo dục của FPT không hoàn thành kế hoạch năm nay thì chỉ số EPS năm 2013 của công ty được dự báo sẽ đạt 6.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu FPT trong trường hợp đó được giao dịch với PE 7,1x, vẫn thấp hơn so với mức chung của thị trường cũng như các “bluechip” khác.
Liệu có nên đặt nhiều hy vọng hơn vào cổ phiếu của công ty khi vào ngày 24/6 vừa qua lại có thêm 1,35 triệu cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên của FPT được niêm yết, cùng với đó là việc các nhà đầu tư nước ngoài được mua thêm 662.000 cổ phiếu FPT?
Một yếu tố không thể bỏ qua là vai trò điều hành của đội ngũ lãnh đạo công ty trong bối cảnh kinh tế biến động hiện nay. Sự biến động dồn dập ở vị trí tối quan trọng là CEO của FPT trong những năm gần đây, hết ông Nguyễn Thành Nam rồi đến ông Trương Đình Anh lần lượt rời ghế CEO vì nhiều lý do khác nhau, chắc chắn cũng ít nhiều tác động đến niềm tin của nhà đầu tư. Một công ty đại chúng lớn đi đầu trong chuyển đổi sang mô hình quản trị hiện đại (tách bạch hai vị trí Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc), nay quay đầu đi lại đúng con đường cũ nên được lý giải như thế nào? “Sự trở lại của số 1” (xin xem thêm bài viết “FPT: Sự trở lại của số 1”, Tạp chí Doanh Nhân số 120, ngày 11/12/2012) có ảnh hưởng gì đến đại cục của FPT? Đã đến lúc cổ đông cần nhận được câu trả lời chân thực nhất từ bộ phận quan hệ nhà đầu tư của FPT.
Theo Dddn.com.vn