|
Nếu tính số thuê bao 3G trên số lượng gói cước bị điều chỉnh thì có khoảng 8% thuê bao di động bị ảnh hưởng. |
3h chiều nay (8/11/2013), Bộ TT&TT sẽ tổ chức họp báo để thông tin về vấn đề điều chỉnh cước 3G vừa qua. Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, suốt 3 năm nay dịch vụ 3G đã bán dưới giá thành nên chắc chắn phải điều chỉnh. Trong khi đó, nếu so sánh với giá cước của các nước trong khu vực thì giá cước 3G của Việt Nam chỉ bằng 30 - 40%. Giá cước so sánh này đã được căn cứ trên giá dịch vụ và thu nhập quốc dân đầu người của các nước trong khu vực và thế giới. Thông tin này sẽ được bộ TT&TT công bố công khai sau khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trước khi điều chỉnh cước 3G, Bộ TT&TT đã xem xét đầy đủ trên nhiều yếu tố. Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, xu hướng quản lý hiện nay là nhà nước sẽ không can thiệp sâu mà tôn trọng định hướng của kinh tế thị trường. Trước đây, giá cước viễn thông thuộc diện bình ổn giá, nhưng hiện nay theo Luật Giá thì cước viễn thông sẽ theo cơ chế thị trường vì thị trường này đã mở cửa cạnh tranh nên quyền định giá cước do doanh nghiệp chủ động quyết định theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, viễn thông là lĩnh vực có đặc thù nên việc quản lý không chỉ theo Luật Giá mà phải có cả Luật Viễn thông với những quy định riêng và điều ước quốc tế khi Việt Nam tham gia vào các tổ chức này. Vì vậy, giá cước viễn thông phải trên cơ sở giá thành, mặt bằng quốc tế và khu vực, cung - cầu thị trường. Những dịch vụ chỉ liên quan đến trong nước thì phải tính toán trên cơ sở giá thành, còn những dịch vụ liên quan đến quốc tế sẽ phải tính toán đến yếu tố mặt bằng quốc tế và khu vực. Vì vậy, khi điều chỉnh cước 3G phải tính đến yếu tố khu vực vì liên quan đến việc thanh toán quốc tế giữa các mạng di động với những đối tác nước ngoài.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng còn cho biết, trong quy hoạch chiến lược viễn thông đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có đề cập đến vấn đề đưa các dịch vụ viễn thông dần tiến tới giá thành để đảm bảo phát triển thị trường viễn thông bền vững. Thứ trưởng cũng khẳng định việc điều chỉnh cước 3G vừa qua chỉ tác động đến khoảng 8% số lượng người dùng di động, nhưng do truyền thông chưa tốt nên đã có những phản ứng không đáng có.
"Sau khi điều chỉnh 3G, dư luận rất quan tâm đến giá thành dịch vụ này. Bộ TT&TT đã ban hành thông tư hướng dẫn xác định giá thành dịch vụ viễn thông. Không chỉ có người dân quan tâm, mà nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành nên giá thành dịch vụ viễn thông. Sở dĩ phải kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải tính đủ, tính đúng giá thành tránh trường hợp như truyền thông đưa về việc Tập đoàn Điện lực đưa vào giá thành cả các phần chi phí khác ngoài sản xuất kinh doanh về điện" Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói.
Tại cuộc họp giao ban quản lý nhà nước tháng 10 của Bộ TT&TT chiều ngày 4/10/2013, vấn đề điều chỉnh cước 3G vẫn là chủ đề “nóng” được thảo luận nhiều nhất. Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, sau khi Bộ TT&TT ban hành thông tư hướng dẫn cách tính giá thành dịch vụ viễn thông, các doanh nghiệp đã báo cáo giá thành các dịch vụ đang cung cấp, đặc biệt dịch vụ truy cập dữ liệu Internet di động trong đó có dịch vụ 3G. Cụ thể, giá thành dịch vụ truy cập dữ liệu Internet di động là 167 đồng/MB, nhưng giá đang cung cấp cho khách hàng trung bình khoảng 100 đồng/MB (thấp hơn giá thành là 67 đồng/MB). Cục Viễn thông cũng đưa ra mức giá dịch vụ truy cập dữ liệu Internet di động trong khu vực ASEAN hiện nay khoảng 360 đồng/MB (cao hơn gấp 3,6 lần so với mức mà các mạng di động Việt Nam đang cung cấp cho khách hàng - PV).
Tính đến tháng 9/2013, Việt Nam có khoảng 18,9 triệu thuê bao 3G đang hoạt động (có phát sinh cước), trong tổng số 91 triệu thuê bao di động đang hoạt động ở thời điểm đó. Như vậy, nếu tính số thuê bao 3G trên số lượng gói cước bị điều chỉnh thì có khoảng 8% thuê bao di động bị ảnh hưởng. Cục Viễn thông khẳng định, mặc dù đã điều chỉnh cước 3G, nhưng giá cước của Việt Nam vẫn thấp so với khu vực và thấp so với thế giới, chỉ bằng khoảng 60% so với giá thành
Theo Ictnews.vn