|
Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia
|
Trong buổi làm việc mới đây với Samsung, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết Việt Nam mới cung cấp dịch vụ 3G từ 2009 đến nay và nhu cầu chuyển từ thoại sang dữ liệu đang tăng mạnh, tạo nhiều tiện ích cho người sử dụng. Hiện Việt Nam có 20 triệu thuê bao 3G và thị trường này phát triển rất nhanh.
"Việt Nam đang tiến hành số hoá tuyền hình và lấy băng tần thừa này để dùng cho mạng 4G. Bộ TT&TT đang nghiên cứu thận trọng để xem thời điểm nào cung cấp 4G sẽ hiệu quả nhất. Để chuyển từ 2G lên 3G, Việt Nam phải mất 10 năm, nhưng nếu chuyển từ 3G sang 4G sẽ nhanh hơn. Bộ giao cho Cục Viễn thông theo dõi tình hình thế giói và tình hình tại Việt Nam để lựa chọn thời điểm thích hợp triển khai 4G. Dự kiến, Việt Nam sẽ triển khai 4G vào năm 2015, thời điểm chính xác như thế nào còn phụ thuộc vào thị trường. Tuy nhiên, Bộ cũng đang khuyến cáo các doanh nghiệp chuẩn bị cho 4G", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.
Trước đó, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, theo nghiên cứu của Cục Tần số Vô tuyến điện, thị trường di động Việt Nam năm 2011 đã đánh dấu sự giảm dần thuê bao 2G và bước phát triển của thuê bao 3G. “Nếu tính tỷ lệ dân số của Việt Nam thì lưu lượng dữ liệu 3G của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, theo đánh giá chỉ số ICT của mỗi nước mà ITU mới công bố thì Việt Nam đứng thứ 81 và tăng 5 bậc so với 2010. Tôi cho rằng sở cứ quan trọng nhất để ITU đánh giá thăng hạng cho Việt Nam chính là sự phát triển của thuê bao vô tuyến băng rộng 3G”, ông Đoàn Quang Hoan nhận định.
Ông Đoàn Quang Hoan cho biết, với nhu cầu phát triển của thị trường và công nghệ thì nhu cầu về tần số cho băng rộng tại Việt Nam sẽ rất lớn. Hiện Bộ TT&TT đã quy hoạch băng tần 2.3 GHz và 2.6 GHz cho vô tuyến băng rộng và đang trình Thủ tướng Chính phủ để cấp phép băng tần này thông qua đấu giá sau năm 2015. Bộ TT&TT sẽ không thúc đẩy việc cấp phép sớm cho 4G để đảm bảo hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp và phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT sẽ quy hoạch lại băng tần 2G để có thể đưa băng tần này sử dụng cho băng rộng. Ngoài ra, sau khi số hóa truyền hình sẽ dành băng tần thừa là 700 MHz cho băng rộng sau năm 2020 (sau khi khai tử truyền hình analog trên toàn quốc).
Nhận định về định hướng triển khai 4G của Việt Nam, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia cho rằng, lộ trình triển khai 4G của Việt Nam vào năm 2015 là thích hợp. Thời điểm triển khai này còn thích hợp cho cả nhà sản xuất thiết bị đầu cuối 4G.
"Thông điệp của Qualcomm rất đơn giản, 3G ở Việt Nam vẫn còn đất phát triển cùng với định hướng 4G. Mục tiêu lớn nhất của Qualcomm vẫn là phát triển lượng người dùng 3G. Việt Nam số lượng người dùng 3G vẫn chưa nhiều. Trong khi đó, những quốc gia phát triển thì mật độ người dùng 3G lên 70-80%, như vậy 3G ở Vệt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Việt Nam đang là quốc gia có giá dich vụ 3G thấp nhất trên thế giới và chất lượng thì liên tục cải thiện. Sắp tới, các nhà mạng Việt Nam sẽ triển khai 3,5G trên toàn quốc. Nhưng Việt Nam phải chuẩn bị 4G bởi thời điểm đến năm 2015 không còn xa", ông Thiều Phương Nam nói.
Bình luận về thời điểm triển khai 4G ở Việt Nam, ông Jan Wassenius, Tổng Giám Đốc Ericsson Việt Nam cho rằng, các nhà mạng Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng của 3G và năm 2015 mới là thời điểm phù hợp nhất để triển khai 4G.
"Với mạng 3G hiện tại, khả năng đáp ứng của các nhà mạng lớn hơn nhiều so với nhu cầu thực tế của người sử dụng. Hiện số lượng người dùng 3G ở Việt Nam vẫn còn rất ít, vì vậy phải tăng trưởng nhiều hơn nữa. Chỉ lúc nào mà lưu lượng 3G tăng lên rất cao và nhu cầu của người sử dụng lớn thì chúng ta mới có thể triển khai được mạng 4G. Nếu trung bình mỗi năm, lượng dữ liệu truyền qua mạng 3G tăng lên gấp đôi, đến năm 2015 sẽ là thời điểm thích hợp nhất để triển khai mạng 4G vì dung lượng các nhà mạng hiện tại khá lớn và có thể đáp ứng tốt nhu cầu người dùng", ông Jan Wassenius nhấn mạnh.
Theo Ictnews.vn