Gần đây, thuật ngữ S.M.A.C đang bắt đầu được nhiều chuyên gia công nghệ nhắc tới. ICTnews đã phỏng vấn ông Nguyễn Lâm Phương, Giám đốc Công nghệ FPT để tìm hiểu rõ hơn về xu hướng triển khai S.M.A.C trên thế giới và tại Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng S.M.A.C là xu hướng công nghệ mà các doanh nghiệp nên đi theo để không bị tụt hậu. Ông có đồng tình với ý kiến này hay không?
S.M.A.C là xu hướng công nghệ mới, gồm Social (xã hội), Mobile (di động), Analytics (phân tích, dựa trên dữ liệu lớn) và Cloud (đám mây). Thuật ngữ S.M.A.C xuất hiện trong giai đoạn 2011 - 2012, tại các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, khu vực Châu Âu... Trong đó, Mỹ là nước dẫn đầu với những thay đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ số như quản lý kinh doanh từ xa bằng thiết bị di động, lưu trữ dữ liệu không giới hạn trên đám mây...
Cần nhắc lại ý rằng sự thất bại của hãng máy ảnh Kodak, hay chuỗi cửa hàng cho thuê phim nổi tiếng Blockbuster tại Mỹ… đều bắt nguồn từ việc không kịp thích ứng với những thay đổi của làn sóng công nghệ S.M.A.C. Có thể khẳng định S.M.A.C là xu hướng công nghệ tất yếu với bất kỳ doanh nghiệp nào trên toàn cầu. Đặc biệt, với các lĩnh vực có khách hàng quy mô lớn như phân phối, ngân hàng, thực phẩm, y tế… thì việc ứng dụng S.M.A.C vào hoạt động quản lý doanh nghiệp cũng như nâng cấp sản phẩm, dịch vụ càng có tính cấp thiết hơn.
Riêng tại Việt Nam, câu chuyện bàn luận nên hay không nên đi theo công nghệ S.M.A.C ngày nay giống như câu chuyện với Internet cách đây 17 năm. Nếu tận dụng sớm, các doanh nghiệp CNTT trong nước hoàn toàn có cơ hội tiến cùng với các tập đoàn CNTT danh tiếng, như Microsoft, IBM, Cisco, SAP…
|
Ông Nguyễn Lâm Phương, Giám đốc Công nghệ FPT.
|
Thực tế đến giờ đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam hưởng ứng và triển khai S.M.A.C hay chưa, thưa ông?
Gần đây, bắt đầu có sự gia tăng số lượng các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới nhằm làm cho các hoạt động kinh doanh của mình thông minh hơn, điển hình như Vietnam Airline, Unilever, Kinh Đô… Còn về nhóm các doanh nghiệp CNTT-TT chuyên phát triển những ứng dụng, giải pháp CNTT-TT thì cũng đã có hàng nghìn doanh nghiệp theo đuổi xu hướng công nghệ mới, chủ yếu là công ty vừa và nhỏ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thường chỉ tập trung vào phát triển ứng dụng di động hoặc dịch vụ đám mây. FPT đang là một trong số ít doanh nghiệp CNTT-TT Việt Nam tiên phong triển khai S.M.A.C. Năm 2012, FPT bắt đầu đầu tư vào các giải pháp chuyển đổi ứng dụng doanh nghiệp lên đám mây, phát triển các mobile front-end (hệ thống giao diện người dùng) đi kèm. Ngoài ra, FPT còn tập trung phát triển giải pháp quản lý bán hàng trên thiết bị cầm tay (eMobiz), xây dựng các kho dữ liệu chuẩn cho doanh nghiệp và Chính phủ… Năm 2013, doanh thu S.M.A.C của FPT đạt 95 tỷ đồng, dự kiến tới năm 2016 sẽ đạt trên 800 tỷ đồng. Theo tôi, các doanh nghiệp Việt Nam nên sớm tập trung đầu tư cho hoạt động nghiên cứu công nghệ S.M.A.C để tránh bị tụt hậu so với thế giới.
Ông đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài trong mảng S.M.A.C để tiến ra thế giới?
Trong xu thế S.M.A.C, các doanh nghiệp CNTT Việt Nam cần hợp tác với các hãng công nghệ lớn. Bởi đây là tấm hộ chiếu đảm bảo giúp chúng ta tiến nhanh ra thị trường quốc tế. Ngược lại, các hãng cũng cần đến doanh nghiệp Việt Nam để tận dụng nguồn lực chất lượng với chi phí hợp lý. Thực tế thời gian qua, FPT đã liên tục mở rộng, củng cố vị thế đối tác cấp cao với các hãng công nghệ hàng đầu về cloud, mobility như Microsoft, IBM, Amazon Web Services, SAP… và sẵn sàng tham gia cung cấp dịch vụ trong các hệ sinh thái này.
Cảm ơn ông!
Theo dự báo của Gartner, năm 2014, chi tiêu CNTT toàn cầu ước đạt 3.800 tỷ USD, riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt 767 tỷ USD, tăng 5,5% so với 2013. S.M.A.C là một trong những thành tố chính đem lại sự tăng trưởng nhanh này.
Theo Ictnews.vn