Hội thảo này là sự kiện bên lề của Lễ công bố Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đồng thời là sự kiện khai mạc cho chuỗi các sự kiện thuộc dự án FIRST (dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, công nghệ và thông tin). Dự án thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ với nguồn vốn ODA từ tổ chức Ngân hàng Thế giới (World Bank). Cuối hội thảo là Lễ ký kết biên bản ghi nhớ về việc đồng hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam giữa dự án FIRST, Bộ KHCN và Becamex TIC. Tổng số tiền được ký kết của gói tài trợ là 110 triệu USD, tương đương 2.300 tỷ VND. Kết quả này đánh dấu bước tiến tích cực trong sự đánh giá của Nhà nước về tầm quan trọng của khởi nghiệp với sự phát triển đất nước, đồng thời thể hiện bước đi đầu tiên từ phía chính phủ và các bộ ngành liên quan trong chuỗi các hoạt động và dự án hỗ trợ khởi nghiệp.
|
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ về việc đồng hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam
|
Tham gia hội thảo có đại diện từ tổ chức Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đại diện Bộ KHCN, đại diện dự án FIRST, IDG Media, các doanh nghiệp, khởi nghiệp về công nghệ và công nghệ thông tin nổi bật ở Việt Nam bao gồm công ty Appota, công ty LUMI Việt Nam, công ty OFFICENCE Việt Nam, đại diện báo TechinAsia và nhiều thành viên từ các đơn vị ban ngành khác.
Ông Aymeril Hoàng, nguyên cố vấn Bộ trưởng Bộ Đổi mới sáng tạo và Kinh tế kỹ thuật số, chia sẻ về hệ sinh thái khởi nghiệp ở Pháp. Theo ông, chính phủ Pháp đóng vai trò rất quan trọng trọng sự phát triển của khởi nghiệp. Họ nhận thức được tầm quan trọng của khởi nghiệp khi đây là nguồn cung việc làm lớn nhất của nước Pháp, và cũng là cách duy nhất để họ có thể cạnh tranh về công nghệ trên trường quốc tế. Chính phủ Pháp cũng nhận thức được rằng gọi vốn khởi nghiệp ban đầu không đơn giản, và khởi nghiệp thì luôn luôn cần rất nhiều vốn, tuy nhiên chỉ có Venture Capital (VC) là những đơn vị duy nhất đủ khả năng đầu tư và dám đầu tư mạo hiểm vào khởi nghiệp. Do vậy, chính phủ Pháp đã chi đến 300 triệu USD cho dự án mở đầu của chuỗi dự án hỗ trợ khởi nghiệp và VC đầu tư vào khởi nghiệp.
|
Ông Aymeril Hoàng, nguyên cố vấn Bộ trưởng Bộ Đổi mới sáng tạo và Kinh tế kỹ thuật số, chia sẻ về hệ sinh thái khởi nghiệp ở Pháp
|
Bên cạnh chia sẻ của ông Aymeril Hoàng về bài học thành công của nước Pháp, ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc IDG (International Data Group) ASEAN cũng đưa ra một số đề xuất cho chính sách công từ quan điểm của một nhà đầu tư.
- Áp dụng CNTT trong các khu vực công là bước đầu tiên để đẩy mạnh tầm quan trọng của CNTT và nhận thức về tầm quan trọng này đối với khu vực công.
- Hỗ trợ doanh nghiệp trong các vấn đề đăng ký sở hữu trí tuệ
- Tăng cường các chương trình gắn kết với tổ chức nước ngoài để tổ chức các hoạt động đào tạo, tu nghiệp, nhằm cải thiện kỹ năng cho khởi nghiệp từ quản lý đến kỹ thuật, đào tạo nhân lực kỹ năng cao.
- Cần có các chính sách đẩy mạnh dự án CNTT trong chính phủ, với các tổ chức bộ ngành. Các chương trình hay dự án CNTT công có thể outsource các doanh nghiệp công nghệ tư nhân, vừa tiết kiệm nguồn lực vừa tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có đất phát triển, có cơ hội để chứng minh tầm quan trọng của mình với chính phủ.
- Hỗ trợ nguồn tài chính ban đầu cho khởi nghiệp vì hiện tại vốn ban đầu của khởi nghiệp Việt khá mạo hiểm khi nó chủ yếu là từ cá nhân và gia đình. Các hình thức ưu đãi có thể làm như ưu đãi tiền mặt, bãi bỏ quy định và các ưu đãi thuế khác. Có lẽ đây là yếu tố thiết thực nhất mà Chính phủ có thể hỗ trợ được khởi nghiệp.
Tóm lại, với hành động tích cực này từ Bộ KHCN, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào vai trò của Nhà nước vào tương lai của khởi nghiệp và cùng chờ đón những thay đổi tích cực từ dự án FIRST đối với cộng đồng khởi nghiệp Việt.
Theo Ictnews.vn