|
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình (thứ ba từ phải sang) chia sẻ tại Under 30 Summit do Forbes Vietnam tổ chức tại TP HCM
|
Với chủ đề “Thế hệ Tiếp nối,” sự kiện tập trung vào thế hệ trẻ, những người sinh ra từ những năm 1970 trở đi, Chủ tịch FPT là diễn giả trong phiên thảo luận chính bàn về đặc trưng của thế hệ trẻ, những cơ hội và thách thức, những ước mơ và mục tiêu cùng tầm nhìn lãnh đạo của họ. Các đồng diễn giả gồm: Bà Tôn Nữ Thị Ninh, cựu Đại sứ Việt Nam tại châu Âu; ông Lê Hồng Minh, sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn VNG; ông Phạm Hồng Hải, CEO HSBC Vietnam; và bà Hằng Đỗ, CEO iViVu - ngôi sao đang lên trong danh sách 30 Under 30 của Forbes Vietnam.
Anh Bình chia sẻ trong phiên thảo luận chính. Sự kiện quy tụ khoảng 800 người tham dự, là những nhà lãnh đạo tương lai của thế hệ tiếp nối: gồm các doanh nhân trẻ, nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, chuyên gia, sinh viên.
Chia sẻ lý do về Việt Nam làm việc thay vì Pháp, cựu đại sứ Việt Nam tại châu Âu cho rằng nếu ở lại trời Tây bà sẽ “chẳng làm gì nên hồn”. “Điểm quan trọng là tôi có tinh thần lạc quan. Tôi tin tưởng mình có tố chất tạo sự khác biệt nên rất tự tin trở về”, bà Ninh mở đầu cuộc giao lưu.
Được mời ôn lại thời khắc ‘khởi nghiệp’ cách đây hơn 26 năm, anh Bình nhớ hình ảnh “mức thu nhập một ngày 3 USD không đủ nuôi vợ con trong khi xung quanh rất nhiều cơ hội”. Và FPT ra đời trong hoàn cảnh gian khó chung của đất nước những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước.
Người đứng đầu FPT cho rằng thế hệ của anh sinh ra trong chiến tranh, điều kiện rất khó khăn. Trong khi thế hệ doanh nhân trẻ hiện nay (khoảng lứa tuổi 30) được sống trong điều kiện đất nước đã đổi mới, cuộc sống đầy đủ và có điều kiện học hành nhiều hơn. “Thế hệ trẻ ngày nay có những ưu thế về giáo dục, lối sống cởi mở, cơ hội giao lưu và tiếp cận công nghệ để khởi nghiệp”, anh Bình nói. “Kinh doanh, du lịch và thậm chí là nông nghiệp cũng đều có thể áp dụng công nghệ”. Minh chứng về điều này, Chủ tịch FPT cho biết anh vừa dẫn đoàn 26 doanh nghiệp trong nước đi tham quan và học hỏi tại Israel. “Với 1,6 ha, người Israel có thể làm ra hơn 4 triệu USD”.
Đồng quan điểm, CEO Lê Hồng Minh cũng cho rằng người trẻ ngày nay giỏi và năng động. “Các bạn đang sở hữu thế hệ chất lượng hơn những người đi trước”.
Theo anh Bình, doanh nhân nói chung và doanh nhân trẻ nói riêng phải có ảnh hưởng đến cộng đồng, trách nhiệm với xã hội. Nếu bạn cố gắng vì tiền bạc, danh vọng cho cá nhân thì chỉ là một mức. Điều quan trọng, theo anh Bình, phải đạt tới mức làm cho cuộc sống con người tốt đẹp hơn, đất nước giàu mạnh hơn, thế giới văn minh hơn. “Không có giới hạn về tốc độ. Điều đó phụ thuộc vào "tầm nghĩ" và "tầm bay" của những người trẻ. Tôi vừa trao đổi với các bạn trong danh sách 30 Under 30 của Forbes Vietnam, và có người tiết lộ mức tăng trưởng mà công ty bạn đạt được trong năm vừa rồi là 250%”, anh Bình nói.
Ngày nay, sự canh tranh nhiều hơn nhưng chìa khóa chính là theo kịp sự phát triển công nghệ, tận dụng khả năng công nghệ để "vượt lên"; và nếu làm được sẽ rút ngắn thời gian mà thế hệ trước đã đi. “Đừng nhìn về thị trường Việt Nam để bắt đầu khởi nghiệp. Hãy nhìn ra thế giới rộng lớn. Và cũng đừng nhìn 90 triệu người Việt Nam mà nhìn ra cả Đông Nam Á 600 triệu người”, Chủ tịch FPT gợi mở và tin rằng những người trẻ thành công sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa cho tinh thần doanh nhân lập nghiệp ở Việt Nam để cùng ước mơ chung và hun đúc khát vọng lớn cho đất nước.
Một ví dụ sinh động là ngay tại FPT có quản lý trẻ, anh Phùng Quang Đạt, FPT Software, sinh năm 1985, hiện phụ trách một đơn vị cung cấp giải pháp điều khiển TV bằng giọng nói đã làm thay đổi cách xem truyền hình của 27 triệu người dùng Mỹ và khoảng 15 triệu người dùng ở khu vực Mỹ Latin.
“Hãy hành động ngay và hành động khác biệt”, Chủ tịch Trương Gia Bình nhấn mạnh khi được Thư ký tòa soạn Forbes Việt Nam Nguyễn Lan Anh hỏi về từ khóa để gửi gắm cho thế hệ trẻ.
Theo Ictnews.vn