|
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Việt Nam sẽ đủ người làm CNTT khi mà nước ngoài trả lương 5.000 USD thì chúng ta phải trả 6.000 USD.
|
Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam Trương Gia Bình cho biết, thiếu hụt nguồn nhân lực CNTT không phải là vấn đề mới nhưng tình trạng này đã lên mức báo động đỏ. Từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu 400.000 nhân lực làm CNTT, tức là mỗi năm thiếu 80.000 người. Trong khi đó, mỗi năm thị trường chỉ cung cấp 32.000 sinh viên tốt nghiệp CNTT và các ngành có liên quan đến CNTT. Tuy nhiên, số nhân lực có thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp không nhiều, nhất là những người có khả năng làm việc tại nước ngoài.
“Việt Nam có hàng nghìn doanh nghiệp CNTT nhưng chỉ riêng FPT có nhu cầu tuyển cạn kiệt nguồn cung. Để đáp ứng quy mô phát triển 30.000 người vào năm 2020, FPT Software đã phải sang Philippines, Myanmar… để tuyển nhân lực. Điều này thật phi lý”, ông Trương Gia Bình nói.
Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến cho hay, mỗi năm Việt Nam có khoảng 32.000 sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT và các ngành liên quan và chỉ có 9.000 sinh viên trong số đó có thể đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp, 3.000 sinh viên có khả năng làm việc tại nước ngoài. Riêng năm 2015, chúng tôi có nhu cầu đào tạo 3.600 người. Với tốc độ phát triển như ngày nay thì đến năm 2018 chúng tôi cần tuyển khoảng 9.000 người/1 năm; thế nhưng, số sinh viên tốt nghiệp CNTT đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ chỉ 3.000 - 4.000”.
Bình luận về khía cạnh đào tạo nguồn nhân lực CNTT, ông Huỳnh Quyết Thắng, Viện trưởng Viện CNTT Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, 75% số sinh viên CNTT học tại trường này đến từ nông thôn, hoàn cảnh gia đình khó khăn, trình độ tiếng Anh không tốt. Bố mẹ nuôi 5 năm học cũng hết 200 triệu đồng thì không thể có kinh phí đầu tư cho con cái. Đại học Bách Khoa Hà Nội đã cố gắng kêu gọi các quỹ để hỗ trợ, trước đây, có chương trình cho vay của Bộ GD&ĐT nhưng không đủ. Đó là một trong những nguyên nhân khiến nhân lực CNTT đào tạo nhiều nhưng chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Đề cập đến vấn đề chảy máu chất xám trong lĩnh vực CNTT, ông Trương Gia Bình chia sẻ: “Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến gặp tôi nói rằng các doanh nghiệp Việt Nam lấy mất người của họ, trong khi họ phải mất công đào tạo. Nhưng ngược lại, các doanh nghiệp trong VINASA cũng kêu doanh nghiệp Nhật trả gấp đôi gấp ba lương mà họ có thể trả cho các kỹ sư nên doanh nghiệp Việt Nam mất nguồn lực”.
Tiếp cận theo một hướng khác về vấn đề nhân lực CNTT, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Vietel cho rằng, nhân lực CNTT Việt Nam đang có nhiều vấn đề. “Tôi có niềm tin mãnh liệt rằng sau khi thiếu nguồn nhân lực thì sẽ thừa. Nó sẽ chỉ thừa sau khi thiếu thôi. Nên tình trạng thiếu nhân lực CNTT hiện nay không có gì phải hoảng loạn cả. Tôi cũng tin rằng có việc sẽ có người, nhưng chừng nào chúng ta còn nhận công việc từ người nước ngoài với mức lương 5.000 USD, trả cho người Việt Nam lương 2.000 USD thì mãi mãi thiếu người”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Bàn về cách thu hút nguồn lực CNTT, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói; “Chúng ta chỉ đủ người khi mà nước ngoài trả lương 5.000 USD thì ta phải trả 6.000 USD cho người lao động Việt Nam. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể trả cao hơn người nước ngoài? Tôi cho rằng chúng ta phải nghĩ ra việc, còn chừng nào để người nước ngoài nghĩ ra việc thuê chúng ta thì chúng ta vẫn giống anh thợ may”.
Theo Ictnews.vn