|
Ông Nguyễn Quốc Bình, Chủ tịch Hanel mới đưa ra đề xuất: Hà Nội cần tính đến phương án chỉ định thầu để mua sắm đầu thu truyền hình số DVB-T2 cho các hộ nghèo ở Hà Nội. Ảnh sưu tầm: Internet.
|
Liên quan đến việc đấu thầu mua sắm đầu thu truyền hình số mặt đất cho Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam, ông Nguyễn Quốc Bình, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Công ty Hanel cho biết, Hanel không thể tham gia đấu thầu vì điều kiện thời gian để tổ chức sản xuất cũng như chuẩn bị lắp đặt quá ngắn, nên Hanel không thể tham gia được.
Tại Hà Nội và Hải Phòng cũng chỉ còn hơn 3 tháng là đến thời điểm ngắt sóng truyền hình analog. Do đó, ông Bình đề nghị, Hà Nội và Hải Phòng cần phải rút kinh nghiệm của Quảng Nam và Đà Nẵng khi triển khai mua sắm đầu thu cho người nghèo. Bởi nếu để cung cấp một số lượng lớn đầu thu truyền hình số, lên đến vài chục ngàn chiếc thì phải trong vòng 3 tháng doanh nghiệp mới sản xuất được, chưa kể đến việc tổ chức lắp đặt cho từng hộ dân cũng rất khó khăn.
Cụ thể hơn, ông Bình đề xuất, UBND TP Hà Nội nên sớm quyết định việc mua sắm đầu thu truyền hình số cho những đối tượng nào, số lượng bao nhiêu. Đồng thời, Hà Nội nên tính toán đến phương án chỉ định thầu, thay vì đấu thầu, nếu không sẽ không kịp tiến độ. Khi đã chỉ định thầu rồi thì UBND TP chỉ cần đăng ký số lượng với doanh nghiệp được chỉ định để doanh nghiệp có phương án chuẩn bị sản xuất và lắp đặt thiết bị cho những người được nhận hỗ trợ.
Tại buổi làm việc mới đây về triển khai Đề án số hóa truyền hình, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Lê Hồng Sơn chỉ đạo sẽ triển khai kế hoạch hỗ trợ đầu thu truyền hình số DVB-T2 cho người nghèo với đối tượng được mở rộng tối đa, bao gồm các hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ ở vùng đặc biệt khó khăn. Theo số liệu tạm tính có khoảng 107.357 hộ gia đình sẽ được nhà nước trợ cấp đầu thu.
Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội khẳng định, Hà Nội đã có kế hoạch và sẽ thực hiện đúng theo kế hoạch đã ban hành là hỗ trợ đầu thu cho tất cả các hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ ở vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn, không phân biệt chuẩn Trung ương hay địa phương.
Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn cho hay, trong dự toán 61 tỷ đồng mua đầu thu truyền hình số cho các đối tượng sẽ được thành phố trợ cấp đầu thu, sẽ có một phần do Trung ương cấp cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn Trung ương, còn lại sẽ chi từ ngân sách của thành phố.
Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn đề nghị Bộ TT&TT hỗ trợ phần kinh phí mua đầu thu cho hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn Trung ương cho Hà Nội bằng tiền (không phải bằng đầu thu như đã thực hiện đối với Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam-PV). Lý do là Hà Nội quyết tâm sẽ triển khai xong việc trợ cấp đầu thu trong tháng 12/2015, trước ngày tắt sóng analog là 31/12/2015. Do đó, thành phố sẽ ứng vốn trước để mua đầu thu hỗ trợ cho tất các các hộ trong đối tượng cần hỗ trợ, nếu đợi Trung ương tổ chức mua đầu thu để cấp phát sẽ không còn kịp thời gian.
“Sở TT&TT xây dựng phương án hỗ trợ đầu thu đúng theo kế hoạch đã được duyệt, đối tượng được hỗ trợ sẽ mở rộng tối đa. Nguồn kinh phí sẽ được huy động từ ngân sách và cả nguồn xã hội hóa. Trong tháng 12 sẽ phải xong việc hỗ trợ đầu thu, Hà Nội không có lý do gì phải đi sau các địa phương khác”, Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn phát biểu.
Hồi cuối năm 2014, Truyền hình An Viên cũng đã ký cam kết sẽ hỗ trợ cho UBND TP Hà Nội 50.000 đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 để trợ cấp cho các hộ nghèo của thành phố khi triển khai số hóa truyền hình.
Tuy nhiên, đầu thu do Truyền hình An Viên chỉ cho phép thu được các kênh truyền hình quảng bá do AVG phát sóng. Trong khi Ban chỉ đạo số hóa truyền hình quốc gia đã yêu cầu các nhà cung cấp đầu thu truyền hình số quảng bá phải cung cấp đầu thu có khả năng thu được tất cả các kênh truyền hình số quảng bá do các đơn vị phát sóng.
Theo Ictnews.vn