Mục đích Hội thảo là thúc đẩy trao đổi công nghệ, dịch vụ, kiến thức công nghiệp Điện & Điện tử giữa các quốc gia và trong khu vực nhằm bắt kịp xu hướng và công nghệ của công nghiệp Việt Nam; Đẩy mạnh sự phát triển của Cộng đồng Điện & Điện tử Việt Nam nhằm tập trung, thiết lập mạng lưới và trao đổi ý tưởng, phát triển đối tác và chia sẻ kinh nghiệm tốt nhất; Hợp tác toàn diện giữa hai khối kinh tế Nhà nước và tư nhân trong sự phát triển Công nghiệp Điện và Điện tử Việt Nam nhằm thu được thành công và sức mạnh trong cộng đồng công nghiệp.
Tại Hội thảo, nhiều vấn đề lớn liên quan đến sự phát triển của ngành Điện, Điện tử Việt Nam đã được các đại biểu thảo luận, trình bày và phân tích thấu đáo.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam đã trình bày về khái quát về tình hình hiện tại của ngành Điện tử Việt Nam, các dự án đầu tư lớn, công nghệ nào sẽ vào thị trường Việt Nam. Hiện nay mặc dù Công nghiệp Điện tử Việt Nam phát triển mạnh, nhưng thực chất là do đóng góp của các DN FDI. Chỉ chiếm 1/3 trong tổng số các DN trong nước nhưng DN FDI lại sở hữu nhiều công nghệ cao, chiếm trên 80% thị trường trong nước và trên 90% kim ngạch xuất khẩu. Hầu hết các DN trong công nghiệp phụ trợ ngành Điện tử là các DN FDI trong chuỗi cung ứng sẵn có của các nhà sản xuất thiết bị đầu cuối, và cũng chính vì vậy mà giá trị gia tăng nội địa của Công nghiệp Điện tử Việt Nam vẫn rất thấp. Bà Hương cho biết, để tăng giá trị gia tăng nội địa, cần phải tăng từ việc cung cấp linh kiện điện tử cho các nhà sản xuất FDI; và muốn như vậy, phải xây dựng được ngành Công nghiệp hỗ trợ mạnh, có thể cạnh tranh được về chất lượng, giá cả với các nhà cung cấp từ Trung Quốc và các nước khác. Tăng cường liên kết giữa các DN CNHT để thiết lập chuỗi cung ứng từ Việt Nam. Dự báo những công nghệ ngành Điện tử vào Việt Nam từ 5 – 10 năm nữa, các nhà đầu tư nước ngoài như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc … vẫn tiếp tục đầu tư, nhu cầu máy móc, công nghệ tăng ít nhất 10%. Các công nghệ sẽ tập trung vào sản xuất điện thoại di động, thiết bị kỹ thuật số, sản phẩm điện tử tinh xảo như máy tính bảng, laptop, màn hình LCD.
Theo TS. Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển Doanh nghiệp CNHT - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Nghiệp, Bộ Công Thương: Công nghệ phụ trợ ngành Điện tử là những sản phẩm có kích thước nhỏ, giá trị cao nên dễ vận chuyển. Ngoài khả năng cung cấp cho ngành Điện tử ra, công nghệ phụ trợ còn có khả năng sử dụng trong nhiều ngành khác như Ô tô, thiết bị y tế, công nghệ chế tạo và đây cũng là thị trường mà ngành Công nghiệp Điện tử cần hướng tới.
Ông Bùi Bài Cường, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin cho biết: Để phát triển bền vững ngành Công nghiệp phụ trợ, nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó lợi thế cho các DN là được miễn thuế 4 năm, giảm 50% thuế TNDN phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với các hoạt động sản xuất công nghiệp hỗ trợ (1483/QĐ-TTg 6-8-2011). Về thuế XNK, giảm thuế ưu đãi cho 41 nhóm mặt hàng vật tư, linh kiện từ mức 25% xuống 0%, đây là một lợi lợi thế rất lớn cho các DN.
Theo thông tin từ ông Park Jun Ho, Giám đốc công ty KITECH Việt Nam, hiện đang có sự chuẩn bị chuyển gia giao công nghệ từ công ty Hàn Quốc cho 24 công ty Việt Nam, trong đó là các ngành về cơ khí, máy móc, dệt may, ô tô…
Triển lãm NEPCON Vietnam 2015 là triển lãm Quốc tế Lần thứ 8 về thiết bị, công nghệ kiểm tra hàn linh kiện bề mặt SMT và Công nghiệp hỗ trợ cho ngành Chế tạo Điện tử của Việt Nam, được tổ chức trong 3 ngày tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, từ ngày 17 - 19/9/2015. Triển lãm đã thu hút hơn 100 thương hiệu về công nghệ của 10 quốc gia tham gia như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Triển lãm lần này đã giới thiệu hàng loạt các sảm phẩm mới với thiết kế thông minh gọn nhỏ, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, đạt tiêu chuẩn RoSH/REACH/EuP; các sản phẩm điều kiển âm thanh, đồ họa 3 chiều trong xây dựng; điều kiển tự động hệ thống máy; tự động camare giám sát…/.
Trí Châu