Thứ hai, 23/12/2024
Translate
Tìm kiếm
Giới thiệu chung VEIA
English
Tin tức và sự kiện
Doanh nghiệp hội viên VEIA
Xúc tiến thương mại
Dịch vụ trực tuyến B2B
Thế giới công nghệ
Xã hội điện tử-thông tin
Văn bản pháp quy
Hội viên Hiệp hội điện tử
English News and Events
Đại hội VEIA IV
Tạp chí Điện tử Vietnet24h, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam
Thông tin thời tiết

  Cập nhật: 30/10/2015
Tỷ lệ nội địa hóa: Phải tính cả hàm lượng chất xám của người Việt

Hiện có một số ý kiến cho rằng, phải thay đổi cách tính tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm công nghiệp CNTT, giá trị nội địa hóa không nên chỉ tính giá trị linh kiện phần cứng mà phải tính cả hàm lượng chất xám trong khâu nghiên cứu, thiết kế.

Điện thoại do VNPT Technology nghiên cứu, thiết kế và lắp ráp tại Việt Nam.

Tỷ lệ nội địa hóa thường được hiểu là tỷ lệ sử dụng các nguyên vật liệu và phụ tùng công nghiệp sản xuất trong nước so với nhập khẩu. Trong lĩnh vực điện tử, do những bất cập về chính sách thuế nhập khẩu linh kiện để lắp ráp trong nước còn cao hơn sản phẩm nhập nguyên chiếc nên trong lĩnh vực công nghiệp CNTT hiện chỉ còn rất ít doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu, phát triển, sản xuất hay đơn giản là lắp ráp hàng điện tử trong nước, thậm chí có nhiều doanh nghiệp nội địa đã phải giải thể vì không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu, hàng điện tử do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất tại Việt Nam.

Những năm trước đây, không ít ý kiến cho rằng, nền công nghiệp điện tử Việt Nam mới dừng lại ở mức độ là nền công nghiệp “tuốc nơ vít”, nghĩa là nhập toàn bộ linh kiện từ Trung Quốc và bắt vít ở Việt Nam. Tỷ lệ nội địa hóa chỉ là là những phụ kiện như: bao bì, hộp xốp, dây gói… là được sản xuất ở Việt Nam.

Gần đây, sự gia nhập của các hãng điện tử lớn từ nước ngoài vào Việt Nam như Sanyo, Sony, JVC, LG, Samsung đã lần lượt khai thác và chiếm lĩnh toàn bộ thị trường điện tử phổ thông. Các sản phẩm điện tử mang thương hiệu nội địa như máy tính, tivi của VTB, máy tính FPT Elead, tivi Hanel vốn rất èo uột lại ngày càng bị cạnh tranh quyết liệt. Số ít hiếm hoi sản phẩm nội địa đang cố gắng bám trụ trên thị trường nhưng khả năng tồn tại ngay trên sân nhà cũng rất khó.

Việc nhà nước triển khai Đề án số hóa truyền hình được coi là cơ hội để các doanh nghiệp điện tử Việt Nam vực dậy nền công nghiệp điện tử bằng việc tham gia sản xuất đầu thu truyền hình số DVB-T2 phục vụ cho Đề án số hóa truyền hình. Và đã xuất hiện một số ít doanh nghiệp như VNPT, GBS nhảy vào lĩnh vực nghiên cứu, phát triển, thiết kế sản phẩm đầu thu số DVB-T2.

Câu hỏi đặt ra là chuỗi dây chuyền sản xuất sản phẩm đầu thu số DVB-T2 trong nước này khác với những sản phẩm đầu thu nhập từ nước ngoài thế nào, có bao nhiêu phần trăm trong sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam và của người Việt Nam làm ra.

VNPT Technology là doanh nghiệp đi tiên phong trong việc nghiên cứu, thiết kế sản phẩm đầu thu số DVB-T2, điện thoại thông minh, sản phẩm của VNPT Technology được lắp ráp tại Hà Nội bằng linh kiện được nhập khẩu chủ yếu từ Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc, những linh kiện quan trọng như Chip, Ram được nhập từ một doanh nghiệp của Mỹ. Một lãnh đạo VNPT Technology cho hay, nếu xác định tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm này, có thể khẳng định con số lên tới 50% hoặc hơn nữa. Bởi phần quan trọng của sản phẩm không phải là linh kiện phần cứng mà là hàm lượng chất xám của người Việt đóng góp trong đó với toàn bộ khâu thiết kế phần cứng, phần mềm điều khiển và các ứng dụng trên sản phẩm.

Vị lãnh đạo này cho rằng, khi xác định  một sản phẩm công nghiệp CNTT có phải là của người Việt hay không, phải tính đến hàm lượng chất xám đóng góp trong đó. Kể cả khi doanh nghiệp Việt Nam thuê một kỹ sư hay một lập trình viên nước ngoài thiết kế sản phẩm, thực hiện đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ thì sản phẩm đó vẫn được coi là của doanh nghiệp Việt và phải được tính giá trị đóng góp nội địa hóa trong đó.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc bán hàng của Tập đoàn ST Microelectronics khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng cho rằng, hàm lượng chất xám trong khâu nghiên cứu, thiết kế cả phần cứng và phần mềm giá trị cao hơn gấp nhiều lần với những linh kiện phần cứng. Do đó, với những sản phẩm dù được đặt hàng sản xuất ở Việt Nam, ở Trung Quốc hay bất cứ đâu nhưng do doanh nghiệp Việt Nam thiết kế và sở hữu bản quyền vẫn được xem đó là sản phẩm của người Việt và cần phải tính giá trị nội địa hóa cho khâu nghiên cứu, thiết kế sản phẩm.

Trả lời truyền thông mới đây, Ông Han Myoung Sup, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cũng cho biết, tính đến cuối năm 2015, có tất cả 41 doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung. Samsung và Chính phủ Việt Nam đã thống kê và kết quả là khoảng 36% tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm của Samsung. Tỉ lệ nội địa hóa này không chỉ đơn thuần là của các doanh nghiệp Việt Nam, mà còn bao gồm tất cả những doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đang hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Theo Ictnews.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam
Hội Tin học Việt Nam
VAA
Hội tin học Thành Phố Hồ Chí Minh
Công ty TNHH MTV Hanel
Công ty CP Minh Việt
Trung tam TKNL Hanoi (ECC Hanoi)
Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng An Phát



www.veia.org.vn

HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP ĐIỆN TỬ VIỆT NAM
Trụ sở chính: Tầng 11, Tòa nhà MIPEC TOWER 229 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội.
Tel: (84-4) 39332845 Fax: (84-4) 39332846
Email: hiephoidientu@veia.org.vn, Website: www.veia.org.vn

.Designed by Intecom ( Minh Việt JSC and HanelCom )