Mô hình hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu, đào tạo, điển hình là các trường đại học với doanh nghiệp đã không còn mới mẻ. Theo một khảo sát từ tháng 8/2013, có đến 74% các trường đại học có mô hình hợp tác cùng doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là hợp tác về lĩnh vực R&D lại chỉ chiếm 4%. Theo đánh giá của ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: “Ở Việt Nam, hoạt động khai thác, chuyển giao các kết quả nghiên cứu, sáng chế từ các trường đại học, viện nghiên cứu tới cộng đồng doanh nghiệp còn rất “khiêm tốn”. Thực trạng này một phần do sự e ngại về kinh phí đầu tư của doanh nghiệp, bởi nếu muốn hợp tác đi vào chiều sâu thì doanh nghiệp phải có chiến lược R&D lâu dài. Đây quả thật là cái khó của nhiều doanh nghiệp Việt.
Thời gian gần đây, đã xuất hiện nhiều tín hiệu khả quan hơn. Không ít dự án hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vận hành hiệu quả. PGS.TS Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM – một trong những cơ sở đào tạo đi đầu trong việc hợp tác với doanh nghiệp chia sẻ: “Một năm trở lại đây, Trường đã có nhiều dự án hợp tác thành công với các doanh nghiệp như: Đạm Phú Mỹ, Điện Nhơn Trạch, Trường Hải Ô tô…”. Đặc biệt được đánh giá cao là các dự án hợp tác chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Mới đây nhất, ngày 27/10, Trường đã ký kết với Công ty CP Bóng đèn Điện Quang để hợp tác nghiên cứu khoa học, công nghệ ứng dụng phù hợp cho các sản phẩm chiếu sáng và thiết bị điện. Trong đó tập trung vào các dự án đầu tư nghiên cứu, phát triển các ứng dụng công nghệ chiếu sáng LED, công nghệ chiếu sáng thông minh (smart home, smart lighting) - xu hướng của lĩnh vực chiếu sáng trong vài năm tới – vào đời sống. Để tạo điều kiện cho công tác nghiên cứu, hai bên cũng sẽ nghiên cứu xây dựng một phòng thí nghiệm đạt chuẩn. Nói về “mối duyên” này, ông Hồ Quỳnh Hưng, Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn Điện Quang cho biết: “Dù Điện Quang là doanh nghiệp định hướng chuyên sâu về công nghệ, hiện đã có phòng thí nghiệm về công nghệ chiếu sáng thuộc hàng hiện đại nhất nước, một trung tâm R&D với 50 kỹ sư, hàng năm cho ra đời từ 200-300 sản phẩm mới, nhưng Điện Quang vẫn mong muốn được phối hợp, liên kết với các trường đại học, đặc biệt là Đại học Bách Khoa. Với thế mạnh nghiên cứu cơ bản, đội ngũ chuyên gia đầu ngành của Đại học Bách Khoa sẽ hỗ trợ rất tốt cho Điện Quang trong nghiên cứu và phát triển công nghệ (R&D), tăng hàm lượng chất xám, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm mới”. Ngay sau khi ký kết, Điện Quang cho biết sẽ nhanh chóng triển khai hai dự án hợp tác nghiên cứu cùng Trường ĐH Bách Khoa với tổng giá trị khoảng 1 tỷ đồng.
PGS.TS Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM (bên trái) cùng ông Hồ Quỳnh Hưng, Tổng Giám đốc Điện Quang tại buổi ký kết hợp tác
Thay vì doanh nghiệp phải tự bơi, tự tiến hành R&D để đáp ứng nhu cầu sản phẩm mới cho thị trường thì việc song hành cùng các đơn vị nghiên cứu, đào tạo là bước đi thể hiện sự đầu tư cho chiến lược R&D dài hạn của nhiều doanh nghiệp. Những dự án hợp tác hiệu quả trong mối liên kết này hứa hẹn sẽ tạo ra bước tiến mới trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, nâng cao giá trị đóng góp cho xã hội, cộng đồng từ cả hai phía doanh nghiệp và nhà trường.
Theo Dienquang.com