Hai bên nhất trí phạm vi hợp tác bao gồm nhưng không hạn chế các hình thức sau: Trao đổi và phổ biến thông tin về quản lý tần số vô tuyến điện, các dự án vệ tinh của Việt Nam; Triển khai các hoạt động nghiên cứu chung về sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh, các công nghệ thông tin vô tuyến, vệ tinh và trao đổi chuyên gia, hợp tác đào tạo về phối hợp tần số vô tuyến điện.
Các hoạt động hợp tác giữa hai đơn vị bao gồm: Phân tích, đánh giá và lựa chọn dải tần số vô tuyến điện hoạt động cho các vệ tinh quan sát trái đất; Phối hợp đăng ký tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh cho các hệ thống vệ tinh quan sát trái đất; Tính toán, phân tích và đánh giá khả năng can nhiễu của các hệ thống khác lên các hệ thống vệ tinh quan sát trái đất của Việt Nam; Phối hợp, hỗ trợ trong đo đạc, phân tích và đánh giá can nhiễu tại các vị trí đặt trạm mặt đất hiện có và dự kiến trong tương lai của hệ thống vệ tinh quan sát trái đất; Trao đổi chuyên gia, tham gia trình bày tại các sự kiện, hội thảo hai đơn vị tổ chức; Phối hợp xây dựng phương án phối hợp tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh với các hệ thống khác…
Phát biểu tại Lễ ký, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, để giành được tần số và quỹ đạo vệ tinh các nước phải tiến hành công tác đăng ký và phối hợp tần số quốc tế. Đây là yêu cầu bắt buộc khi triển khai các dự án vệ tinh mới để các hệ thống vệ tinh không bị can nhiễu. Đối với dự án VNRedsat-1 Việt Nam đã phải tiến hành phối hợp tần số với 16 quốc gia và 2 tổ chức vệ tinh. Đây là quá trình phức tạp và khó khăn, tuy nhiên sự hợp tác chặt chẽ giữa Cục Tần số Vô tuyến điện và Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam đã giúp cho quá trình phối hợp thành công.
"Lĩnh vực thông tin vệ tinh đã phát triển mạnh mẽ trong những năm qua ở Việt Nam. Đặc biệt, vệ tinh viễn thông đầu tiên Vinasat-1 được phóng vào năm 2008 đã mở ra kỷ nguyên mới về thông tin và truyền thông, đem lại nhiều lợi ích to lớn về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Tiếp đó, vệ tinh Vinasat-2 được phóng vào năm 2012. Các vệ tinh viễn thông hiện nay đang đảm nhiệm tốt các nhiệm vụ cung cấp thông tin liên lạc, truyền hình đến mọi miền của Tổ quốc, các hải đảo và nước ngoài. Đến năm 2013, vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam VNRedsat-1 do Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam đã được phóng thành công lên quỹ đạo. Như vậy, cho đến nay các vệ tinh của Việt Nam đã cung cấp đa dạng các dịch vụ từ viễn thông, truyền hình cho đến dữ liệu ảnh quan sát trái đất", Thứ trưởng Phan Tâm cho biết thêm.
Tại Lễ ký kết, PGS. TSKH. Nguyễn Đình Công, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam cho biết, tần số vô tuyến điện được xác định là những tài nguyên ngày càng khan hiếm. Trong bối cảnh hiện nay rất nhiều nước tham gia vào việc cung cấp dịch vụ dựa trên hệ thống vệ tinh và do đó hệ thống nhỏ quan sát trái đất rất quan trọng. Nhằm hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới, thực hiện chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam đã tập trung nguồn lực để triển khai các dự án vệ tinh nhỏ quan sát trái đất được Chính phủ giao cho.
“Việc ký kết thỏa thuận hợp tác là sự ghi nhận về niềm tin và cam kết, cũng như nền tảng thúc đẩy sự hợp tác giữa hai bên nhằm thực hiện thành công và hiệu quả các nhiệm vụ có liên quan được Đảng và Nhà nước giao cho. Với sự nỗ lực và hỗ trợ tích cực của các bên, chúng ta sẽ góp phần đưa công nghệ vũ trụ của Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước”, PGS. TSKH Nguyễn Đình Công nhấn mạnh./.
Theo Mic.gov.vn