Theo đó, đại học Kokaido và Tohoku của Nhật Bản sẽ dẫn đầu chương trình hợp tác. Hai trường này có nhiệm vụ tạo ra hơn 50 vệ tinh siêu nhỏ trước năm 2020. Mỗi vệ tinh có hình thù dạng khối vuông 50 cm, nặng khoảng 50 kg (chiếm khoảng 5% trọng lượng của một vệ tinh truyền thống).
Mỗi vệ tinh có chi phí sản xuất rơi vào khoảng 2.540 USD tương đương 56,4 triệu đồng. Theo kế hoạch, số vệ tinh này sẽ được phóng lên quỹ đạo từ tên lửa đẩy của Nhật bản hoặc từ trạm vũ trụ quốc tế ISS.
Các quốc gia bao gồm Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Bangladesh, Thái Lan và Mông Cổ sẽ là những quốc gia châu Á tham gia vào chương trình hợp tác. Hai trường đại học Nhật Bản sẽ tiến hành ký kết một bản ghi nhớ với cơ quan Chính phủ, các trường đại học và nhiều tổ chức tại mỗi quốc gia.
Mỗi quốc gia sẽ phải phóng một số thiết bị vào quỹ đạo ở khoảng cách 300 - 500 km so với bề mặt Trái Đất và chia sẻ nguồn dữ liệu thu thập được. Dự kiến số lượng vệ tinh tối thiểu để giám sát toàn bộ khu vực châu Á là khoảng 25 vệ tinh. Các thiết bị được gắn trên vệ tinh có nhiệm vụ chụp ảnh thiên tai hoặc giám sát hoạt động thời tiết.
Mô-đun Kibo của Nhật Bản trên trạm vũ trụ quốc tế ISS.
Bộ phận của vệ tinh sẽ được thiết kế bởi một nhóm nghiên cứu gồm trường đại học Hokkaido và sản xuất bởi các công ty vừa và nhỏ tại Nhật Bản. Có 2 trong số 25 vệ tinh được ủy thác dành riêng cho Philippines tự phát triển, quốc gia cam kết đóng góp 6,7 triệu USD vào dự án.
Dự kiến những vệ tinh hoàn thiện sẽ được vận chuyển lên trạm vũ trụ ISS trước mùa hè năm nay và phóng ra từ mô-đun thí nghiệm Kibo của Nhật Bản trên ISS. Mỗi vệ tinh sẽ trang bị một camera có khả năng chụp ảnh bề mặt Trái Đất với độ phân giải từ 3 - 5 mét.
Việc tham gia chương trình hợp tác sẽ giúp các quốc gia châu Á trong đó có Việt Nam có cơ hội học hỏi vô cùng quý báu từ ngành công nghiệp không gian tương đối phát triển ở xứ sở hoa anh đào. Hiện đã có khoảng 10 kỹ thuật viên Philippines được cử sang thực tập tại hai trường đại học của Nhật Bản. Các công ty Nhật Bản cũng mong đợi sự tham gia hợp tác nhiều hơn nữa của các quốc gia trong nhiều dự án vũ trụ tương lai.
Hồi cuối năm 2015, Nhật Bản đã đồng ý mở rộng hợp tác với Mỹ và các quốc gia khác trong công tác điều hành trạm vũ trụ quốc tế ISS từ nay tới năm 2024. Quốc gia Đông Á này cũng mong muốn thúc đẩy ứng dụng mô-đun Kibo nhiều hơn nữa. Đặc biệt việc hợp tác với các nước láng giềng châu Á hứa hẹn sẽ giúp giữ vững vị trí lãnh đạo của Nhật Bản trong ngành công nghiệp không gian ở khu vực.
Về phần Việt Nam, chúng ta hiện đã phóng thành công 5 vệ tinh bao gồm cả viễn thông và viễn thám lên quỹ đạo của Trái Đất thông qua hệ thống tên lửa đẩy của nhiều quốc gia.
Vệ tinh Pico Dragon được phóng lên vũ trụ vào ngày 4/8/2013. Ảnh Trung tâm Vệ tinh quốc gia (VNSC)
Vinasat-1 là vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam. Tiếp đến là VNREDSat-1, vệ tinh viễn thám đầu tiên với nhiệm vụ quan sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai. Cuối cùng là Pico Dragon, vệ tinh siêu nhỏ đầu tiên của Việt Nam tự chế tạo hoạt động thành công ngoài không gian.
Theo Ictnews.vn