Ông Ngô Trọng Hiếu, Tổng giám đốc CMC Telecom cho biết, đối tượng chính mà CMC Telecom và Microsoft nhắm đến là tập khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.
CMC Telecom nhảy vào thị trường dịch vụ CNTT
Ông Ngô Trọng Hiếu, Tổng giám đốc CMC Telecom cho biết, CMC Telecom ra đời năm 2008, muộn hơn so với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam. Thế nhưng, CMC Telecom cũng có lợi thế của doanh nghiệp đi sau là sử dụng công nghệ hiện đại. Có thể nói CMC Telecom là công ty cung cấp dịch vụ Internet của Việt Nam đầu tiên đi thẳng vào công nghệ GPON cung cấp Internet cáp quang cho khách hàng với chất lượng tốt mà không trải qua các công nghệ ADSL như những nhà cung cấp khác.
Trả lời câu hỏi của ICTnews vì sao CMC Telecom chuyển hướng chiến lược sang cung cấp cả các giải pháp CNTT? Ông Ngô Trọng Hiếu cho biết, theo số liệu thì mức tăng trưởng dung lượng Internet của khu vực Châu Á hàng năm tăng 30%, còn tại Việt Nam tăng tới 40%. Hiện nhu cầu sử dụng dung lượng Internet của Việt Nam tăng nhanh nhất trên thế giới.
“Nếu như vài năm trước chúng ta hài lòng với dung lượng ADSL chỉ có 5 Mbps - 7 Mbps thì hiện nay nhu cầu đó tăng lên và các nhà khai thác phải chuyển sang cáp quang FTTH với dung lượng 30 Mbps, nhưng có lẽ chỉ năm sau thôi các nhà cung cấp dịch vụ Internet của Việt Nam sẽ phải nâng cấp dung lượng lên đến 100 Mbps, thậm chí là 1GB. Bên cạnh đó, nhu cầu của các doanh nghiệp về lưu trữ, bảo mật an toàn an ninh thông tin tăng rất nhiều. Các doanh nghiệp không thể thiếu Internet trong vòng 1 ngày và thiếu dung lượng lưu trữ trong vòng 1 giờ. Việc này đòi hỏi về an ninh bảo mật và lưu trữ một cách tiết kiệm và thông minh nhất. Chính vì thế mà CMC Telecom là một nhà cung cấp dịch vụ Internet bắt tay với Microsoft cung cấp dịch vụ điện toán đám mây để có thể cung cấp cho khách hàng dịch vụ trọn gói cho các doanh nghiệp”, ông Ngô Trọng Hiếu nói.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ đang “khát” dịch vụ CNTT
Một khảo sát được thực hiện trên 64 nhà quản lý CNTT và lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam do VMware thực hiện mới đây cho thấy có tới 52% doanh nghiệp Việt Nam mong muốn áp dụng điện toán đám mây vào hạ tầng CNTT. Bên cạnh đó, 87% các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ tin tưởng vào vai trò của điện toán đám mây trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, 44% doanh nghiệp Việt được khảo sát cảm thấy chi phí vẫn luôn là một trong những rào cản hàng đầu khi muốn ứng dụng công nghệ. Thống kê này cũng chỉ ra rằng 21% doanh nghiệp cho biết tính phức tạp của công nghệ, 18% cho biết vấn đề về các công cụ phần mềm quản lý, đồng bộ và phân bổ tài nguyên là những rào cản khác.
Ông Ngô Trọng Hiếu cho hay, nhu cầu về dịch vụ điện toán đám mây đã xuất hiện và năm trước ở thị trường Việt Nam, thế nhưng CMC chưa chọn được đối tác cung cấp dịch vụ này tốt nhất ở Việt Nam để cung cấp cho khách hàng. Ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam cho biết, hợp tác của Microsoft và CMC Telecom để cung cấp dịch vụ Office 365. Đây là bộ dịch vụ điện toán đám mây cho các doanh nghiệp trải nghiệm các dịch vụ CNTT cao cấp. Những giải pháp và dịch vụ Microsoft tiêu biểu là nền tảng điện toán đám mây mở Azure, cổng điện tử SharePoint, bộ công cụ văn phòng hoàn hảo và quen thuộc Office 365, dịch vụ họp, cộng tác trực tuyến và thoại tiên tiến Skype for Business, không gian lưu trữ dữ liệu OneDrive, các bộ giải pháp quản trị khách hàng an toàn và tối ưu CRM, Exchange Online, Yammer... Nếu mỗi doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai dịch vụ này phải mất vài tháng xây dựng hạ tầng CNTT và nguồn nhân lực.
Ông Ngô Trọng Hiếu bổ sung, hiện tại Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp quy mô chỉ có 30- 50 người. Nếu bỏ tiền thiết lập hệ thống CNTT sẽ mất chi phí rất lớn. Song hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam có 2 nhu cầu chính là email và chia sẻ dữ liệu lớn. Các doanh nghiệp này thường xuyên phải đối mặt với việc gửi email không được vì dung lượng lớn. Bên cạnh đó, vấn đề bảo mật cùa doanh nghiệp cũng hết sức cần thiết khi mà nguy cơ chia sẻ dữ liệu trên các dịch vụ như drop box có thể làm lộ bí mật của doanh nghiệp. Khi đó CMC Telecom và Microsoft đưa ra các giải pháp, dịch vụ hoàn chỉnh cho khách hàng. Khách hàng sẽ sử dụng đường truyền tốc độ cao của CMC Telecom và các dịch vụ Office 365. Doanh nghiệp có thể yên tâm với hệ thống email, chia sẻ file trong một công ty tới 1 TB. Đây là gói dịch vụ đủ cho nhu cầu sử dụng dịch vụ CNTT cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Phía CMC Telecom chia sẻ, đối tượng chính mà CMC Telecom và Microsoft nhắm đến là tập khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Với mục tiêu hướng tới cung cấp một phạm vi các sản phẩm trọn gói, nhằm tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp trong việc xây dựng hạ tầng CNTT và quản trị doanh nghiệp. ngoài việc cung cấp các dịch vụ về hạ tầng Internet và viễn thông, chúng tôi nhắm tới cung cấp các sản phẩm chất lượng cao cho doanh nghiệp. MS cloud hay MSS của IBM như đã ký kết tháng 4 vừa qua là hai trong những sản phẩm mà chúng tôi cung cấp. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa đến cho doanh nghiệp các dịch vụ tối ưu của các hãng đã được khẳng định chất lượng và tên tuổi trên thế giới”, ông Ngô Trọng Hiếu nói.
Theo Ictnews.vn