Một trong những yêu cầu đối với sản phẩm, dịch vụ được tham gia bình chọn "Sản phẩm ATTT chất lượng cao" và "Dịch vụ ATTT tiêu biểu" năm 2016 là phải có xuất xứ từ Việt Nam, do doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam sở hữu và làm chủ công nghệ (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Chương trình bình chọn “Sản phẩm an toàn thông tin (ATTT) chất lượng cao” và “Dịch vụ ATTT tiêu biểu” năm 2016 vừa được VNISA chính thức công bố.
“Sản phẩm ATTT chất lượng cao” là danh hiệu có uy tín được VNISA xét trao mỗi năm một lần bắt đầu từ 2015 cho các sản phẩm tiêu biểu nhất về ATTT, có xuất xứ từ Việt Nam, do các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam phát triển và làm chủ công nghệ. Điểm khác biệt trong chương trình bình chọn năm nay là có thêm nội dung bình chọn “Dịch vụ ATTT tiêu biểu” đối với một số nhóm dịch vụ.
Đối tượng được tham gia bình chọn cho các danh hiệu “Sản phẩm ATTT chất lượng cao” và “Dịch vụ ATTT tiêu biểu” năm 2016 gồm các sản phẩm khoa học, kỹ thuật, công nghệ, dịch vụ về bảo đảm ATTT; sản phẩm CNTT có tính năng an toàn, bảo mật cao; và một số loại hình dịch vụ ATTT.
Các sản phẩm, dịch vụ tham gia bình chọn phải đáp ứng yêu cầu: là sản phẩm, dịch vụ hoàn chỉnh có tính năng chất lượng cao về an toàn, bảo mật thông tin; có xuất xứ từ Việt Nam, do doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam sở hữu và làm chủ công nghệ, đã được thương mại hóa hoặc cung cấp cho thị trường.
Chủ sở hữu sản phẩm, dịch vụ tham gia bình chọn có trách nhiệm cung cấp cho Hội đồng bình chọn đầy đủ tài liệu theo yêu cầu của mẫu hồ sơ bình chọn. Cụ thể, với các sản phẩm, phải cung cấp đủ sản phẩm mẫu và các điều kiện cần thiết để phục vụ đánh giá kiểm nghiệm. Còn với các dịch vụ, phải cung cấp thông tin minh bạch về các khách hàng tiêu biểu sử dụng dịch vụ, bản nhận xét đánh giá hiệu quả dịch vụ của khách hàng và/hoặc bản tự đánh giá của nhà cung cấp dịch vụ cho từng trường hợp sử dụng, bản tự đánh giá so sánh dịch vụ của mình với dịch vụ cùng chức năng trên thị trường.
Cơ cấu và hình thức danh hiệu giải thưởng được xem xét trao cho các sản phẩm và dịch vụ trên cơ sở đánh giá phân loại theo từng nhóm của Hội đồng bình chọn. Giải thưởng trao cho chủ sở hữu của các sản phẩm, dịch vụ đạt giải gồm Bằng chứng nhận danh hiệu “Sản phẩm ATTT chất lượng cao của năm” hoặc Bằng chứng nhận danh hiệu “Dịch vụ ATTT tiêu biểu của năm” cùng Cúp lưu niệm.
VNISA cũng cho biết, Hội đồng bình chọn “Sản phẩm ATTT chất lượng cao” và “Dịch vụ ATTT tiêu biểu” năm nay gồm các chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực ATTT. Trong đó, Chủ tịch Hội đồng là nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng; 2 Phó Chủ tịch Hội đồng là các ông Vũ Quốc Khánh, Ủy viên Ban chấp hành VNISA và Vũ Văn Xứng, Cục trưởng Cục Quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã (Ban Cơ yếu Chính phủ). Ông Nguyễn Trường Sơn, Ủy viên Ban chấp hành VNISA là Thư ký Hội đồng.
Hội đồng bình chọn làm việc theo nguyên tắc: Thảo luận, đánh giá độc lập trên cơ sở hồ sơ và kết quả kiểm tra thẩm định và đánh giá kỹ thuật sản phẩm mẫu; Bỏ phiếu theo thang điểm do Hội đồng xác định thống nhất cho từng nhóm sản phẩm, dịch vụ. Tổ kỹ thuật giúp việc chuẩn bị hồ sơ, thực hiện kiểm nghiệm, đánh giá kỹ thuật sản phẩm và đánh giá thẩm định dịch vụ. Trường hợp thành viên Hội đồng bình chọn là chủ sở hữu hoặc là đại diện sở hữu các sản phẩm, dịch vụ ATTT đã đăng ký tham gia bình chọn thì không tham gia bỏ phiếu cho những sản phẩm, dịch vụ này.
Việc bình chọn của Hội đồng sẽ được thực hiện dựa trên một số tiêu chí cơ bản. Với sản phẩm ATTT, các tiêu chí bình chọn gồm: Nhu cầu và hiệu quả ứng dụng; Công nghệ và chất lượng sản phẩm; Tính mới, công nghệ sáng tạo, tỷ lệ nội địa hóa; Thị trường và dịch vụ hỗ trợ; Tỷ lệ chiếm lĩnh thị trường; So sánh giá cả trên tính năng; Phản hồi của thị trường,… Hồ sơ tài liệu đào tạo và hướng dẫn sử dụng, tính pháp lý và bản quyền sở hữu (đối với sản phẩm ATTT.
Đối với dịch vụ ATTT, Hội đồng sẽ bình chọn dựa trên các tiêu chí: Nhu cầu và hiệu quả ứng dụng; Công nghệ và nhân lực đảm bảo chất lượng dịch vụ; Tính quy trình, tuân thủ các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật liên quan; Thị trường và quy mô triển khai dịch vụ: Tỷ lệ chiếm lĩnh thị trường; Đầu tư phát triển dịch vụ; So sánh giá cả trên hiệu quả áp dụng; Phản hồi của thị trường… Hồ sơ tài liệu hướng dẫn sử dụng, tính pháp lý và bản quyền sở hữu
Theo kế hoạch, các tổ chức, doanh nghiệp nhận Hồ sơ đăng ký tham gia bình chọn từ ngày 12/8/2016. Thời gian Ban tổ chức nhận bản đăng ký của các tổ chức, doanh nghiệp về sản phẩm và dịch vụ tham gia bình chọn sẽ kéo dài từ 1/9 đến 12/9/2016. Lễ công bố và trao giải các sản phẩm, dịch vụ đạt danh hiệu “Sản phẩm ATTT chất lượng cao” và “Dịch vụ ATTT tiêu biểu” dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12/2016, tại phiên khai mạc Hội thảo quốc tế trong khuôn khổ sự kiện thường niên Ngày ATTT Việt Nam 2016.
Chương trình bình chọn “Sản phẩm ATTT chất lượng cao” và “Dịch vụ ATTT tiêu biểu” nhằm mục đích đánh giá, bình chọn, xếp hạng và công nhận danh hiệu giải thưởng cho các sản phẩm và dịch vụ tiêu biểu nhất về ATTT tại Việt Nam trong năm, xây dựng uy tín và thương hiệu của sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp, tổ chức ATTT và CNTT Việt Nam. Qua đó, tuyên truyền quảng bá, hỗ trợ tiếp thị các sản phẩm và dịch vụ ATTT tiêu biểu tại thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, chương trình cũng góp phần hưởng ứng chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đặc biệt là sản phẩm và dịch vụ về ATTT; giới thiệu và đưa các sản phẩm, dịch vụ ATTT tốt của Việt Nam đến với người dùng trong và ngoài nước; đồng thời tyên truyền quảng bá, nâng cao nhận thức về ATTT, thúc đẩy ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ ATTT trong các ngành kinh tế, xã hội; trong các cơ quan, đơn vị Trung ương và địa phương, thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, phát triển sản phẩm ATTT mở rộng thị trường.
Theo Ictnews.vn