Thứ hai, 30/12/2024
Translate
Tìm kiếm
Giới thiệu chung VEIA
English
Tin tức và sự kiện
Doanh nghiệp hội viên VEIA
Xúc tiến thương mại
Dịch vụ trực tuyến B2B
Thế giới công nghệ
Xã hội điện tử-thông tin
Văn bản pháp quy
Hội viên Hiệp hội điện tử
English News and Events
Đại hội VEIA IV
Tạp chí Điện tử Vietnet24h, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam
Thông tin thời tiết

  Cập nhật: 24/08/2016
DIỄN ĐÀN "Phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua cơ hội và lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới"

Trước áp lực của những thách thức và cơ hội do các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong đó có TPP và EVFTA mà nước ta đã ký kết gần đây, ngày 18 tháng 8 năm 2016 vừa qua, tại Khách san Nikko Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh,  Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) và Công ty Reed Tradex phối hợp tổ chức Diễn đàn NEPCON VIETNAM 2016 với mục đích giới thiệu cho các doanh nghiệp trong ngành hàng những cơ hội mà các Hiệp định TPP và EVFTA mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời gợi ý tầm nhìn, trao đổi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh của một số ngành công nghiệp chủ chốt nhằm phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam và trên toàn ASEAN.

Tải các bài trình bày tại Diễn đàn tại đây.

Xem tiếp...

Những năm gần đây, Việt Nam đã thể hiện tiềm năng sẽ trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới cho ngành công nghiệp hỗ trợ tại ASEAN, đặc biệt là trong ngành công nghiệp điện & điện tử. Sự hiểu biết về những cơ hội và quyền lợi mang lại từ hiệp định thương mại tự do (FTA)  sẽ nâng cao lợi ích kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khi Việt Nam đang tham gia nhiều hơn vào các FTA xuyên quốc gia như  TPP, RCEP, ASEAN +6, v.v.
 TS. Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ (SIDEC), Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp, Bộ Công Thương chia sẻ tại Diễn đàn về cơ hội và thách thức cho ngành công nghiệp Việt Nam khi tham gia vào "sân chơi" quốc tế:“Sự tham gia của những FTA mới sẽ tạo điều kiện thâm nhập vào những thị trường mới, rộng lớn hơn cho Việt Nam, ví dụ như RCEP với dự tính sẽ có hiệu lực vào năm 2017, 65% danh mục sản phẩm với 8,000 - 9,000 loại sản phẩm sẽ được miễn giảm thuế. Điều này sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn những linh kiện và bộ phận thay thế. Tiếp theo đó là sự gia tăng nguồn vốn FDI tập trung vào ngành công nghiệp sản xuất, đồng nghĩa với nhiều cơ hội sẽ mở ra cho các công ty Việt Nam thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng mặt khác, các nhà sản xuất Việt Nam cũng cần chuẩn bị để đối đầu với sự cạnh tranh cao hơn từ những thị trường tương đồng, trong khi các tiêu chuẩn chất lượng, hàm lượng xuất xứ, biện pháp phòng vệ thương mại sẽ trở nên  gắt gao hơn khi rào cản thuế quan không còn. Chi phí nhân công cũng cần được xem xét khi mà lợi ích của người lao động sẽ được tập trung quản lý trong khuôn khổ của hiệp định TPP”.
 Phát biểu tại Diễn đàn, Ông Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) chia sẻ: “Doanh nghiệp Việt Nam đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhà nước ta đã ban hành hàng loạt văn bản nhằm đẩy mạnh việc phát triển công nghiệp hỗ trợ như: Quyết định 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ; Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26/8/2011 về Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; Quyết định số 1556/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực vực công nghiệp hỗ trợ”; Đặc biệt mới đây nhất là Nghị định số 111/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nghị định đã đặt ra hàng loạt giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT), nhất là việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp sáng tạo. Ngoài ra, để có thể thúc đẩy sự phát triển một cách hiệu quả, cần đưa chương trình phát triển CNHT vào nội dung của Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa & nhỏ để tạo tính thống nhất”.
 Ông Lưu Hoàng Long, Chủ tịch của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) chia sẻ: "Năm 1996, ngành điện tử Việt Nam mới xuất khẩu được lô hàng đầu tiên trị giá chưa đến 100 triệu USD thì đến hết năm 2015 kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng đã đạt hơn 57 tỉ USD, đứng đầu các ngành hàng xuất khẩu cả nước với tốc độ tăng trưởng trên dưới 30% hàng năm. Tuy kim ngạch xuất khẩu lớn như vậy nhưng giá trị chủ yếu nằm ở những doanh nghiệp FDI với tỷ lệ sử dụng nội địa hóa còn thấp khoảng 20-30%. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam nói chung và các nhà sản xuất nói riêng, có thể nắm bắt thời cơ để phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ khi mà thuế nhập khẩu sẽ được miễn giảm đối cho hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư; đồng thời cũng có được những thuận lợi từ việc nhập nguyên vật liệu. Do đó, sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp điện tử và làm tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng”.
 Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nặng, Bộ Công Thương phát biểu tại Diễn đàn cũng đã nhấn mạnh: “Những đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có thể nhận được những chính sách ưu đãi từ Nhà nước, chẳng hạn như Thông tư 21/2016/TT-BTC, doanh thu từ sản phẩm CNPT ưu tiên được kê khai theo tháng, theo năm, khai tạm tính theo quý; những công ty này sẽ được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm. Ngoài ra, những công ty này còn được hưởng ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất. Đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn được hỗ trợ vay tối đa 70% vốn điều lệ tại các tổ chức tín dụng”
 Ông Isara Burintramart, Giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex nhấn mạnh “Những hiệp định FTA mới có phạm vi rộng lớn hơn về nội dung cam kết  thương mại, dịch vụ và đầu tư. Tham gia các FTA, Việt Nam có cơ hội để tái cơ cấu xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Với tác động nhiều hơn của các FTA, xuất khẩu của Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng, tuy nhiên, cũng sẽ có những thử thách mà Việt Nam phải đối mặt như việc chống phá giá và chống trợ cấp. Theo thông tin của Tạp Chí Cộng Sản, một cuộc khảo sát năm 2011 được tiến hành ở 10 tỉnh thành, cho thấy 96% trên tổng số 2500 doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ. Tỷ lệ này vẫn giữ nguyên đến năm 2014, phần lớn các doanh nghiệp này vẫn đang sử dụng những công nghệ cũ của 2-3 thế hệ trước.  Trong số này, 75% máy móc, dây chuyền sản xuất là của những năm 1960-1970; 75% thiết bị đã khấu hao hết; và 50% đã được tân trang lại. Việc cải cách và áp dụng các công nghệ mới một cách thích hợp trở nên rất cần thiết để có thể đáp ứng nhu cầu từ những quốc gia tiềm năng như Nhật Bản, Australia, New Zealand và Hàn Quốc. Theo đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ của các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm đối tác kinh doanh, thị trường mới, sản phẩm mới, thâm nhập vào các kênh phân phối, tham gia hội chợ, triển lãm cần được thực hiện ngay lập tức.”
 Diễn đàn vui mừng chào đón trên 200 doanh nghiệp và tổ chức đăng ký tham dự. Tại Diễn đàn, một số doanh nghiệp điển hình trong lĩnh vực sản xuất các chi tiết công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử như Công ty TNHH Anh Nghĩa, Công ty TNHH ITO Việt Nam đã cởi mở chia sẻ những thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp khi làm hàng xuất khẩu, những khó khăn, vướng mắc thường gặp của doanh nghiệp nội trước những yêu cầu chặt chẽ của khách hàng nước ngoài, nhằm rút kinh nghiệm chung đối với những doanh nghiệp trong ngành. Diễn đàn cũng trở nên sôi nổi với những màn hỏi đáp giữa cử tọa và diễn giả.
  Đây là chương trình diễn đàn thường niên, được tổ chức trong khuôn khổ của chương trình triển lãm quốc tế cho ngành công nghiệp điện tử NEPCON VIETNAM 2016 từ ngày 6 đến 8 tháng 10 năm 2016 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC). NEPCON VIETNAM 2016 sẽ trở lại như một nơi giao thương với sự tham dự của các nhà cung cấp công nghệ quốc tế để cùng góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp điện tử Việt Nam phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa. Chương trình sẽ được đồng tổ chức với METALEX Vietnam 2016 – triển lãm quốc tế về máy công cụ và giải pháp gia công kim loại, chương trình sẽ có sự tham gia trình diễn công nghệ của hơn 500 thương hiệu, đến từ 25 quốc gia./.

Theo VEIA

  Trang trước    | Về đầu trang
Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam
Hội Tin học Việt Nam
VAA
Hội tin học Thành Phố Hồ Chí Minh
Công ty TNHH MTV Hanel
Công ty CP Minh Việt
Trung tam TKNL Hanoi (ECC Hanoi)
Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng An Phát



www.veia.org.vn

HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP ĐIỆN TỬ VIỆT NAM
Trụ sở chính: Tầng 11, Tòa nhà MIPEC TOWER 229 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội.
Tel: (84-4) 39332845 Fax: (84-4) 39332846
Email: hiephoidientu@veia.org.vn, Website: www.veia.org.vn

.Designed by Intecom ( Minh Việt JSC and HanelCom )