Những tác động liên quan đến quan hệ lao động của Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU
Để nhìn nhận về những tác động EVFTA đối với quan hệ lao động tại Việt Nam, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng với Tổ chức Lao động quốc tế tổ chức hội thảo “Tác động của Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU đối với quan hệ lao động tại Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội.
Hội thảo là cơ hội để các Bộ ngành, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện các cam kết lao động của Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA), cập nhật về tác động của EVFTA đối với quan hệ lao động tại Việt Nam. Qua đó, nhận định những cơ hội cũng như vượt qua thách thức nhằm tối đa hóa lợi ích mà EVFTA mang lại.
Liên minh châu Âu (EU) là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam. Hiện nay EU là một trong những thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch tính đến tháng 11/2017 lên đến 46 tỷ USD. Cán cân thương mại của Việt Nam với EU thường xuyên thặng dư.
Bà Trần Thị Lan Anh – Phó Tổng thư ký phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại buổi hội thảo: “Trải qua 11 vòng đàm phán, EVFTA hiện đang trong giai đoạn về đích, dự kiến được ký kết và triển khai trong năm 2018. Với tính toàn diện, chất lượng cao, phạm vi cam kết rộng, hiệp định có thể có tác động đáng kể đối với kinh tế Việt Nam. Một khi EVFTA được ký kết, xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng 30-40% và xuất khẩu của EU vào Việt Nam cũng sẽ tăng 20-25%. Đồng thời, hiệp định này cũng trở thành động lực thúc đẩy Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa công cuộc thực hiện cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh”.
Bà Trần Thị Lan Anh – Phó Tổng thư ký phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của thị trường EU đối với Việt Nam
Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam được đánh giá là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giữa Việt Nam với 28 nước thành viên của EU được hình thành tháng 10/2012. Đây là FTA tham vọng và toàn diện nhất mà EU đã từng kí kết với một nước đang phát triển như Việt Nam. EVFTA trở thành một trong những FTA thế hệ mới chính vì các cam kết tiêu chuẩn về lao động và môi trường có trong hiệp định.
EU và Việt Nam cũng đã nhất trí một chương trình toàn diện và đầy đủ về thương mại phát triển bền vững với danh mục các cam kết bao gồm việc thực hiện có hiệu quả các tiêu chuẩn lao động chính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Những cam kết về lao động của hiệp định này đã đặt ra yêu cầu đối với Chính phủ Việt Nam trong việc xem xét và điều chỉnh các chính sách, pháp luật lao động. Nhờ đó sẽ mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng có thế mạnh như dệt may, giày dép, nông thủy sản, đồ gỗ của Việt Nam và máy móc, thiết bị, ô tô xe máy, một số loại nông sản của EU.
Sau khi EVFTA được kí kết sẽ xóa bỏ gần như toàn bộ thuế quan trong thương mại hàng hóa giữa hai nền kinh tế, lên tới hơn 99% số dòng thuế. Với rất ít số dòng thuế còn lại, hai bên dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần. Đây có thể được coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết từ trước tới nay.
Tuy nhiên hiện tại Việt Nam cũng gặp thách thức với tình trạng thiếu nguồn nhân lực chuyên môn kĩ thuật cao, tuân thủ pháp luật lao động và thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong lĩnh vực lao động. Về mặt chính sách còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần Chính phủ xem xét và bổ sung, sửa đổi kịp thời để đáp ứng được yêu cầu mới phát sinh trong quan hệ lao động giữa người sử dụng và người lao động phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO trong cam kết hiệp ước thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã kí kết và tham gia.
Ông Nguyễn Bá Lâm – Đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam cho biết: “EVFTA là một hiệp định thế hệ mới có điều khoản về lao động với tiêu chuẩn cao. Hiệp định này cũng nhấn mạnh về các tiêu chuẩn lao động ở Việt Nam và đưa các tiêu chuẩn ILO (8 tiêu chuẩn cơ bản) làm điều kiện thực hiện hiệp định này. ILO cũng có nhiều dự án để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đạt được tiêu chuẩn lao động quốc tế để đáp ứng yêu cầu của các FTA”.
Ông Nguyễn Bá Lâm giới thiệu tới các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp những công ước cơ bản của ILO và Việt Nam đã phê chuẩn
Đại diện Bộ LĐTBXH ông Đào Quang Vinh nhấn mạnh các Bộ ngành liên quan cũng đã có những đánh giá dự báo các tác động của EVFTA có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ lao động của doanh nghiệp tại Việt Nam và quan trọng hơn là đưa ra những đề xuất để doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các cơ hội và vượt qua những thách thức mà cam kết lao động của Hiệp định thương mại Việt Nam – EU có thể mang đến. Từ đó có thể giúp cho cộng đồng doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh và tham gia tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Ông Đào Quang Vinh đại diện cơ quan nhà nước nêu lên một số thách thức cũng như cơ hội đối với doanh nghiệp Việt về các cam kết lao động trong EVFTA
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam, tác động cộng hưởng của Hiệp định EVFTA và các FTA đã ký là rất lớn đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, đổi mới của các doanh nghiệp Việt Nam, giúp các nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam ngày càng tăng trưởng tại các thị trường có FTA.
HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP ĐIỆN TỬ VIỆT NAM Trụ sở chính:
Tầng 11, Tòa nhà MIPEC TOWER 229 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội.
Tel: (84-4) 39332845 Fax: (84-4) 39332846
Email:
hiephoidientu@veia.org.vn, Website:
www.veia.org.vn