Trong năm 2018, Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và Tạo thuận lợi thương mại cũng đặt mục tiêu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%, nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về quản lý của cơ quan nhà nước và chống buôn lậu, gian lận thương mại (Ảnh minh họa)
Hồ sơ được xử lý qua Cơ chế một cửa quốc gia tăng 272%
Văn phòng Chính phủ vừa ra thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và Tạo thuận lợi thương mại tại phiên họp thứ ba của Ủy ban vào ngày 9/1/2018.
Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2017, Phó Thủ tướng nhận định, cơ chế một cửa ASEAN đã đạt một số kết quả tích cực trong năm 2017; hạ tầng CNTT cơ bản ổn định, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về cơ bản được giải quyết; nhận thức chung về tạo thuận lợi thương mại đã được nâng lên.
Một số bộ, ngành đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN; có nhiều nỗ lực, quyết tâm hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy trình thủ tục, xây dựng hệ thống CNTT để triển khai thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia. Theo thống kê, số lượng hồ sơ, thủ tục giải quyết qua Cơ chế một cửa quốc gia tăng cao, từ ngày 1/1/2017 đến ngày 15/12/2017 đã có 554.505 hồ sơ được xử lý qua Cơ chế một cửa quốc gia, tăng 272% so với cùng kỳ năm 2016; Thời gian và chi phí thông quan giảm đáng kể, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam…
Giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%
Về mục tiêu năm 2018, kết luận của Phó Thủ tướng nêu rõ các mục tiêu Ủy ban đặt ra trong năm nay, đó là: phấn đấu triển khai đủ 130 thủ tục hành chính theo đúng Kế hoạch đã đề ra tại Quyết định 2185 ngày 14/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục rà soát, bổ sung các thủ tục mới vào Kế hoạch; Chính thức kết nối Cơ chế một cửa ASEAN; Phấn đấu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%, nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về quản lý của cơ quan nhà nước và chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Đồng thời, trong năm 2018, Ủy ban cũng hướng tới mục tiêu cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; chấm dứt tình trạng có danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc tiêu chí, phương pháp kiểm tra (trừ trường hợp đặc thù).
Để đạt được các mục tiêu đặt ra cho năm 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo các Bộ, cơ quan rà soát, đối chiếu danh mục thủ tục hành chính đăng ký tại Quyết định 2185 ngày 14/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ với kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính của Bộ, ngành mình, báo cáo Cơ quan thường trực tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2018.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT và đơn vị liên quan, xây dựng và triển khai hệ thống CNTT phục vụ Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN đảm bảo tính kết nối, tính hệ thống, an ninh, an toàn về thông tin và cơ sở dữ liệu; xây dựng phương án đầu tư hệ thống dự phòng cho Cổng Thông tin một cửa quốc gia.
Về triển khai thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không theo Quyết định 43 ngày 26/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính đảm bảo tính sẵn sàng của Cổng thông tin một cửa quốc gia phục vụ triển khai chính thức Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không; chủ trì, phối hợp với các Bộ: Giao thông Vận tải, Công an, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Y tế tổ chức triển khai chính thức Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không.
Bộ Giao thông Vận tải được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 27 ngày 9/4/2011 của Chính phủ về cung cấp, khai thác, xử lý, sử dụng thông tin về hành khách trước khi nhập cảnh Việt Nam qua đường hàng không.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu trong tháng 3/2018, Bộ Tài chính báo cáo Ủy ban chỉ đạo 1899 việc kết nối, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không của các Bộ, các hãng hàng không.
Về kinh phí thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí đầu tư CNTT và triển khai Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36a của Chính phủ đã bố trí trong dự toán ngân sách của các Bộ, cơ quan. Trong năm 2018, các Bộ chủ động sử dụng nguồn vốn đã được bố trí trong dự toán để thực hiện. Đối với các đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ, có thu phí hoặc các khoản thu khác thì có thể sử dụng nguồn vốn này để hỗ trợ thực hiện. Với các hạng mục dùng chung, Tổng cục Hải quan đề xuất, báo cáo Ủy ban 1899.
Các Bộ, ngành chủ động rà soát, đề xuất kinh phí năm 2019 gửi Bộ Tài chính tổng hợp, đưa vào dự toán ngân sách để trình cấp có thẩm quyền bố trí thực hiện.
Theo Ictnews.vn