Triển lãm VME sẽ là nơi trưng bày những loại máy móc và công nghệ hiện đại nhất của 200 nhãn hiệu đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trong ngành công nghiệp sản xuất và phụ trợ. Các sự kiện chuyên về thúc đẩy hợp tác như “Industrial Components & Subcontracting Vietnam (ICSV)” dành cho nhà sản xuất linh kiện, phụ tùng và “Vietnam Sheet Metal” dành cho lĩnh vực gia công kim loại tấm cũng sẽ được kết hợp tổ chức ở đây. Sự kiện này sẽ là điểm đến cho các hoạt động tìm kiếm giải pháp và đầu vào cho các nhà chế tạo phụ tùng, các nhà cung cấp giải pháp gia công kim loại tấm.
Tại họp báo giới thiệu Triển lãm VME 2018 diễn ra vào sáng 4/7, ông Suttisak Wilanan – Phó Giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex, đại diện ban tổ chức triển lãm cho biết, đây là lần thứ 10 VME được tổ chức tại Việt Nam. Triển lãm năm nay tập trung vào trưng bày, giới thiệu các thiết bị, máy móc và công nghệ mới, hiện đại cho ngành công nghiệp sản xuất và công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại Việt Nam. Đặc biệt là các giải pháp về nhà máy thông minh kiểu mới nhằm đẩy mạnh tăng trưởng ngành sản xuất Việt Nam hơn nữa.
Cũng theo ông Suttisak Wilanan, ngành sản xuất trên thế giới đã có sự tích hợp một số công nghệ mới để mở ra các loại hình hệ thống tự động như “robot hợp tác” hoặc cobots – một hệ thống robot được thiết kế để làm việc an toàn cùng với con người…đó là công nghệ thuộc loại tiên tiến 5.0.
Cũng trong khuôn khổ của Triển lãm VME 2018 năm nay, Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) sẽ kết hợp cùng với Reed Tradex và một số đối tác, tổ chức một loạt các hội thảo, toạ đàm tiền triển lãm và trong thời gian diễn ra triển lãm VME 2018. Diễn đàn sẽ là một sân chơi đặc biệt cho những nhà công nghiệp chủ chốt của Việt Nam và các nước ASEAN để gặp gỡ, đối thoại, cùng nhau nhìn về một tương lai phát triển cho việc mở rộng sản xuất, mở rộng quy mô kinh doanh và đầu tư, kết nối bạn hàng, các nhà sản xuất linh phụ kiện, công nghiệp hỗ trợ trong ngành.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Lưu Hoàng Long – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cho biết, theo số liệu của Bộ Công thương, tổng số doanh nghiệp hiện đang tham gia vào lĩnh vực CNHT trên cả nước là 661 DN. Trong đó gồm 591 DN sản xuất linh kiện điện tử, 56 DN sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi, 14 DN sản xuất băng, đĩa từ và quang học.
"Tuy nhiên, số lượng DN nội địa thuộc lĩnh vực CNHT của ngành công nghiệp điện tử đã và đang là nhà cung cấp cho các DN đầu tư nước ngoài (FDI) không nhiều. Nguyên nhân một phần do những yếu kém nội tại của các DN Việt. Mặt khác, sự kết nối giữa các DN FDI và DN nội địa còn hạn chế…," ông Long nói.
Vì vậy, triển lãm được kỳ vọng sẽ là cơ hội để các DN trong nước kết nối, giao thương và tìm kiếm đối tác để trở thành nhà sản xuất linh phụ kiện, các sản phẩm CNHT… cho các tập đoàn lớn trên thế giới.
Triển lãm VME vào đầu tháng 8 tới đây sẽ là “Sự kiện cộng đồng” của ngành công nghiệp, thu hút hơn 10,000 lượt khách tham dự bao gồm giám đốc của các nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng công nghiệp, kỹ sư, nhà quản lý sản xuất và các nhà công nghiệp đến để tìm kiếm các giải pháp mới, những linh kiện phụ tùng mới, tìm nhà cung cấp mới, đối tác mới và những kiến thức mới từ nội dung của chương trình triển lãm, các buổi hội thảo cùng những hoạt động nhằm mục tiêu nắm bắt cơ hội và dẫn đầu xu hướng trong khuôn khổ triển lãm.
Nhiều hoạt động khác cũng được tổ chức xuyên suốt 3 ngày triển lãm “Vietnam Manufacturing Expo 2018”, chẳng hạn như Hỗ Trợ Kết Nối Kinh Doanh để giúp tất cả những người tham gia tìm được đại lý, nhà phân phối và đối tác kinh doanh. Các đơn vị tham gia triển lãm và khách tham quan có thể tìm thấy thông tin cập nhật về chương trình tại website: www.vietnammanufacturingexpo.com
Theo Lê Cường - Vietnet24H