Diễn đàn VME 2018 đã thu hút trên 100 doanh nghiệp, doanh nhân và quan khách tham dự. Tại diễn đàn, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia hàng đầu của ngành Công thương, của các nhà tư vấn tiêu chuẩn chất lượng đến từ tổ chức TUV Reland, của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam và doanh nghiệp tiêu biểu của ngành điện tử nước nhà, để cập nhật thông tin ngành điện tử - công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử. Các chuyên gia cũng tập trung chia sẻ những kinh nghiệm phát triển thương hiệu.
Ông Sutisak Wilanun phát biểu khai mạc diễn đàn VME2018
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Thắng, chuyên gia cao cấp đến từ Bộ Công thương chia sẻ: “muốn phát triển bền vững, mở rộng được thị trường và thương mại hóa được sản phẩm công nghiệp trong tình hình mới thì không thể không xây dựng doanh nghiệp công nghiệp số”. Đồng thời, bà Đinh Thị Bảo Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Thương mại, Bộ Công thương cũng nhấn mạnh: “thống kê của Việt Nam hiện nay chưa thể hiện được sự đóng góp đáng kể của các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước đối với xuất khẩu, khi mà các doanh nghiệp mở tờ khai hải quan chỉ ở những doanh nghiệp đầu cuối của chuỗi sản xuất, phần lớn là các doanh nghiệp FDI”
Đại diện VEIA phát biểu định hướng Diễn đàn
Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ASANZO, chia sẻ kinh nghiệm phát triển thương hiệu
Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn ASANZO, một doanh nghiệp hàng đầu về ngành điện tử bán lẻ trong nước với thương hiệu đang đình đám trên thị trường, chia sẻ tại Diễn đàn những khó khăn, trở ngại trong quá trình doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, đồng thời cũng nhấn mạnh việc doanh nghiệp cần phải thực sự có sản phẩm trước khi xây dựng thương hiệu và nên hướng tới nhu cầu của khách hàng cần mà không nên bán cái mình có. Hiểu biết khách hàng là chìa khoá thành công của doanh nghiệp.
PGS.TS. Phạm Tất Thắng, chuyên gia Bộ Công Thương
Diễn đàn đã thực sự trở nên sôi nổi với màn toạ đàm được các chuyên gia ngành điện tử chia sẻ một cách cởi mở về sự cần thiết, về kinh nghiệm phát triển thương hiệu, về những lời khuyên cho các doanh nghiệp Việt, về những chương trình hợp tác của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam với các Bộ, Ngành và các đối tác FDI nhằm kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp nội, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nắm bắt, cập nhật được những ưu đãi của Nhà nước và các chương trình hỗ trợ các nhà cung cấp của các doanh nghiệp FDI. Một số đại diện doanh nghiệp tham dự diễn đàn đã tìm được cơ hội kết nối, làm ăn với các đối tác mới.
Ông Bành Thanh Sơn, chuyên gia thuộc tổ chức TUV Reland trình bày các tiêu chuẩn ngành điện, điện tử
Với chủ đề hết sức thiết thực, cách thức tổ chức chuyên nghiệp, Diễn đàn VME 2018 đã thực sự là một sân chơi đặc biệt cho các nhà công nghiệp chủ chốt tại Việt Nam và các nước ASEAN để có một cái nhìn tổng quan về triển vọng kinh doanh, đầu tư, mở rộng sản xuất và tìm kiếm đối tác cho các nhà sản xuất linh phụ kiện tại Việt Nam và các chuyên gia ngành công nghiệp hỗ trợ liên quan.
Diễn đàn trở nên sôi nổi với màn toạ đàm
Diễn đàn là một hoạt động trong khuôn khổ triển lãm Quốc tế “Vietnam Manufacturing Expo 2018”, một hội chợ quốc tế đặc biệt nhất tại Việt Nam dành cho các nhà sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ, nơi trưng bày hàng loạt các máy móc, công nghệ của trên 200 nhà sản xuất và công nghệ đến từ trên 20 quốc gia tới hàng chục ngàn nhà sản suất Việt Nam trong lĩnh vực linh kiện phụ tùng ô tô, cao su và nhựa, khuôn mâu, điện, điện tử và các lĩnh vực liên quan. Triển lãm diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 8 năm 2018 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế I.C.E. Hà Nội.