Nhu cầu công nghệ trong quá trình sản xuất tự động hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam
Chiều 29/8, tại Hà Nội, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức diễn đàn “VKIST - Diễn đàn Công nghiệp lần thứ I” với chủ đề: “Nhu cầu công nghệ trong quá trình sản xuất tự động hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam”.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn Công nghiệp lần thứ I
Diễn đàn Công nghiệp lần thứ I là sự kiện đầu tiên của Viện KHCN Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) phối hợp cùng các hiệp hội: Hiệp hội Tự động hoá Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam và Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tổ chức nhằm tập trung tìm hiểu nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Do đó, đây là cơ hội để các doanh nghiệp nêu lên những khó khăn trong hiện tại và thảo luận về nhu cầu của mình trong quá trình sản xuất tự động hóa. Đồng thời, diễn đàn cũng là dịp để kết nối các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp liên quan với những nhà nghiên cứu, khoa học của trường đại học, viện nghiên cứu.
Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu khai mạc Diễn đàn
Tới tham dự diễn đàn có Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam ông Nguyễn Quân, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ông Bùi Thế Duy, Viện trưởng Viện VKIST ông Kum Dongwha, đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cùng nhiều đại diện doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành sản xuất chế tạo và tự động hoá.
TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội Tự động hoá chia sẻ các vấn đề về Cách mạng công nghiệp 4.0
VKIST là tổ chức KH&CN công lập thuộc Bộ KH&CN Việt Nam thành lập thông qua dự án hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc với sứ mệnh: “Trở thành một tổ chức hàng đầu trong nghiên cứu khoa học ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến liên quan đến ngành công nghiệp và tiến bộ kinh tế bền vững”.
Các doanh nghiệp được các chuyên gia giới thiệu những xu hướng và kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ mới nhất về công nghệ tự động hóa như hệ thống tự động hóa quản trị doanh nghiệp; Tự động hóa tích hợp điện toán đám mây,….
Ông Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam đã nêu lên vai trò của ngành sản xuất tự động hóa cũng như thách thức, khó khăn đang gặp phải. Tự động hóa (TĐH) chính là yếu tố thúc đẩy năng suất lao động của doanh nghiệp dẫn đến tăng giá trị gia tăng của sản phẩm cũng như chất lượng sản phẩm được nâng cao. Trong thời kì công nghiệp 4.0, ở đâu có TĐH cao, có đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới công nghệ thì sẽ tạo ra sản phẩm chất lượng cao, tạo ra sức cạnh tranh.
Toàn cảnh diễn đàn
Tuy nhiên, một thực tế khó khăn là ngành tự động hóa nước ta còn phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, nhất là về máy móc thiết bị. Điều này đã gây ra những khó khăn, thậm chí là thiệt hại cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp (DN) chậm phát triển và đổi mới ứng dụng công nghệ tự động hóa là một nguyên nhân làm cho năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm không cao. Đây đang là một thách thức lớn đối với yêu cầu phát triển nền kinh tế.
TS.Kum Dongwha, Viện trưởng Viện VIKIST phát biểu định hướng Diễn đàn
Tại diễn đàn, ông Đinh Văn Hiến –Phó chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam chia sẻ nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại, dây chuyền sản xuất tự động hóa do phải đầu tư nhiều hơn và khó khăn về nguồn nhân lực. Để nắm bắt và hiểu rõ hoạt động của dây chuyền sản xuất tự động hóa, đòi hỏi các công ty phải có nguồn nhân lực đủ trình độ chuyên môn và ngoại ngữ. Bên cạnh đó, tư duy trừu tượng là yếu tố quyết định sự thành công cho người làm tư động hóa, để hiểu được các logic đã được lập trình trong hệ thống”.
Ông Đinh Văn Hiến –Phó chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam có bài tham luận “Hệ thống tự động hóa quản trị doanh nghiệp toàn cầu”
Bên cạnh đó, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cũng đưa ra những nhận định, đánh giá chung về năng lực của ngành điện tử Việt Nam cũng như những thách thức khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải trong vấn đề máy móc sản xuất, thuế nhập khẩu linh phụ kiện ngành công nghiệp hỗ trợ,…
Ông Kim Seong Kwon, Chủ tịch Công ty SYMKOS chia sẻ về việc đầu tư cho tự động hoá dây chuyền thiết bị của công ty tại Việt Nam, cùng với Tiến sĩ Kum Dongwha, Viện trưởng viện VKIST đã nhấn mạnh quan điểm của người đứng đầu công ty là quan trọng nhất trong toàn bộ quá trình đổi mới chứ không phải ở vấn đề năng lực công nghệ hay tài chính.
Diễn đàn đã giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam có cái nhìn rõ hơn về nhu cầu đổi mới khoa học công nghệ, tự động hoá của thời kì cách mạng công nghiệp 4.0 và hướng đi cho doanh nghiệp của mình.
Diễn đàn Công nghiệp lần thứ nhất là bước khởi đầu quan trọng để các hoạt động của Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào những hoạt động hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, bà Đỗ Thuý Hương, Tổng Biên tập Tạp chí Điện tử & Tin học phát biểu tại diễn đàn
HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP ĐIỆN TỬ VIỆT NAM Trụ sở chính:
Tầng 11, Tòa nhà MIPEC TOWER 229 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội.
Tel: (84-4) 39332845 Fax: (84-4) 39332846
Email:
hiephoidientu@veia.org.vn, Website:
www.veia.org.vn