Diễn đàn là một hoạt động trong chuỗi hoạt động thường niên của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam với mục tiêu cung cấp những trợ giúp tốt nhất cho các doanh nghiệp ngành điện tử và công nghiệp hỗ trợ của ngành điện tử để có thể tổ chức và tham gia có hiệu quả vào chuỗi cung ứng công nghiệp hỗ trợ toàn cầu.
Hiện nay các nhà sản xuất lớn trên thế giới, các tập đoàn đa quốc gia (TĐĐQG) chỉ nắm giữ các hoạt động nghiên cứu và triển khai, xúc tiến thương mại, phát triển sản phẩm, còn các công đoạn sản xuất, những phần công việc trước đây vẫn nằm trong dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh, hầu hết được giao cho các doanh nghiệp bên ngoài. Theo ngôn ngữ quốc tế, được gọi là “out sourcing”.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam phát biểu định hướng hội thảo
Trong lĩnh vực điện tử, các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Samsung, Canon, Panasonic… không ngừng mở rộng đầu tư sản xuất tại các nước đang phát triển nhằm tận dụng lợi thế giá nhân công và khả năng cung ứng linh hoạt các sản phẩm linh phụ kiện điện tử của các doanh nghiệp bản địa. Để trở thành một mắt xích trong mạng lưới sản xuất toàn cầu của các TĐĐQG, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nội địa phải nỗ lực và cố gắng đổi mới về quản lý cũng như công nghệ sản xuất và phải chịu sức ép và sự phụ thuộc rất lớn vào khách hàng. Tại các nước như Thái Lan, Malaysia, các cơ quan có thẩm quyền đã xây dựng các chương trình phát triển liên kết công nghiệp như: Nhà cung cấp tìm kiếm khách hàng; Hội chợ ngược; Hội thảo tìm nhà cung ứng của các TĐĐQG; Cơ sở dữ liệu CNHT… Các chương trình này nhận được kinh phí thường xuyên và đã hoạt động khá hiệu quả trong hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Lương Văn Phan, chuyên gia hàng đầu ngành tiêu chuẩn chất lượng giới thiệu về ISO26000
Tại Việt nam, công nghiệp điện tử Việt Nam phát triển mạnh mẽ những năm gần đây với sự đầu tư từ các TĐĐQG, trong hầu hết các lĩnh vực sản phẩm như thiết bị ngoại vi: Canon, Samsung; điện tử nghe nhìn: Samsung, Panasonic; thiết bị gia dụng: Panasonic; thiết bị thông tin: Samsung, Nokia, LG... Điện tử cũng là lĩnh vực được ưu tiên phát triển theo chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam – Nhật Bản, hứa hẹn sẽ thu hút được sự đầu tư lớn từ các doanh nghiệp Nhật Bản trong giai đoạn tới. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh sản xuất sản phẩm CNHT cho ngành điện tử, đặc biệt là cung cấp cho các TĐĐQG đang đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Việc cung ứng cho các TĐĐQG đang sản xuất trong nội địa cũng giúp doanh nghiệp nhanh chóng nâng cao năng lực, tham gia mạnh mẽ vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Toàn cảnh Diễn đàn Công nghiệp hỗ trợ Việt nam 2018
Tuy nhiên hiện nay CNHT cho ngành điện tử, sự liên kết, cung ứng giữa công ty CNHT nội địa và các TĐĐQG tại Việt Nam còn kém phát triển. Để kết nối hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNHT thì một trong những hoạt động quan trọng cần thực hiện là việc khảo sát, đánh giá nhu cầu, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm soát chất lượng cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo EICC thuộc Đề án “Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ” đặc biệt trong lĩnh vực điện tử được đề xuất phù hợp với Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được phê duyệt theo Quyết định 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đại diện Ban tổ chức cùng các diễn giả tại Diễn đàn
Trên thực tế, bộ Quy Tắc Ứng Xử theo EICC (Electronic Industry Citizenship Coalition) đưa ra các tiêu chuẩn để đảm bảo điều kiện làm việc trong chuỗi cung ứng của ngành điện tử được an toàn, người lao động được đối xử một cách xứng đáng và tôn trọng, các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm với môi trường và được thực hiện tốt. EICC được coi là một phần của ngành điện tử vì những mục đích của Quy tắc này là tất cả các tổ chức có thể thiết kế, tiếp thị, sản xuất, cung cấp hàng hóa và dịch vụ được sử dụng để sản xuất hàng điện tử. Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực điện tử trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có thể tự nguyện chấp nhận và sau đó được doanh nghiệp áp dụng cho chuỗi cung ứng và các nhà thầu phụ của mình, bao gồm cả các nhà cung cấp lao động hợp đồng.
Với mục tiêu đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, tổ chức đại diện cho cộng đồng các doanh nghiệp sản xuất điện tử trên lãnh thổ Việt Nam được Bộ Công thương giao nhiệm vụ quan trọng là tổ chức xây dựng tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng theo EICC. Cùng với sự hợp tác chặt chẽ với Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng nói chung và với Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt nam nói riêng, được sự hỗ trợ của công ty Reed Tradex, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam đã tổ chức thành công Diễn đàn Công nghiệp hỗ trợ, với chủ đề: “Kiểm soát chất lượng theo EICC – tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp điện tử khi tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp hỗ trợ toàn cầu” nhằm phổ biến tới cộng đồng doanh nghiệp ngành điện, điện tử, CNHT.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã được nghe những bài thuyết trình đặc biệt của các chuyên gia hàng đầu ngành tiêu chuẩn chất lượng, ông Lương Văn Phan và bà Đoàn Thị Thanh Vân giới thiệu về ISO26000 và tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng cho ngành điện, điện tử theo EICC. Các chuyên gia đến từ dự án LinkSME, ông Frank Weiland và bà Dương Thị Kim Liên cũng đã giới thiệu tới doanh nghiệp những hỗ trợ thiết thực của dự án trong việc kết nối cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam với các công ty/tập đoàn đa quốc gia, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Diễn đàn đã thực sự là địa chỉ tin cậy để các doanh nghiệp ngành điện, điện tử, công nghiệp hỗ trợ ngành điện, điện tử quy tụ, tiếp nhận thông tin và thảo luận về những vấn đề quan trọng của ngành, cùng nhau hợp tác để hướng tới một cộng đồng doanh nghiệp sản xuất quy mô công nghiệp quốc tế.
Theo Vietnet24h.vn