Thứ hai, 30/12/2024
Translate
Tìm kiếm
Giới thiệu chung VEIA
English
Tin tức và sự kiện
Doanh nghiệp hội viên VEIA
Xúc tiến thương mại
Dịch vụ trực tuyến B2B
Thế giới công nghệ
Xã hội điện tử-thông tin
Văn bản pháp quy
Hội viên Hiệp hội điện tử
English News and Events
Đại hội VEIA IV
Tạp chí Điện tử Vietnet24h, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam
Thông tin thời tiết

  Cập nhật: 09/08/2021
Những kiến nghị của doanh nghiệp ngành điện tử đã được Thủ tướng lắng nghe

Vietnet24h - Sáng nay, ngày 8 tháng 8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, thua lỗ, đời sống nhân dân nói chung và công nhân nói riêng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa, rút khỏi thị trường.

Phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp trong sự phát triển kinh tế đất nước. Trong điều kiện khó khăn gây ra bởi dịch bệnh, doanh nghiệp vẫn luôn đồng hành, sát cánh, tin tưởng vào Chính phủ, ủng hộ Chính phủ trong cuộc chiến chống lại Covid 19.

Với phương châm "chia sẻ, thấu hiểu", Thủ tướng đã đưa ra khẩu hiệu của hội nghị để các đại biểu trao đổi là" "Đánh giá - Giải pháp - Thiết thực - Hiệu quả", trên tinh thần "Lợi ích hài hòa - Rủi ro chia sẻ".

Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Đại diện cho các doanh nghiệp ngành điện tử Việt Nam, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) đã có cơ hội được chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp ngành điện tử đang phải đối diện và đưa ra những kiến nghị tại Hội nghị.

Ngành điện tử là ngành có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất cả nước, trong vòng 10 năm trở lại đây, luôn đứng đầu kim ngạch xuất khẩu của các ngành công nghiệp chế biến chế tạo và chiếm tỷ trọng từ 30 – 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. 

Năm 2020 tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành điện tử năm đạt 91,98 tỷ Đô la Mỹ(1), chiếm 34,05% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 42,93 tỷ Đô la Mỹ; điện thoại và linh kiện là 49,05 tỷ Đô la Mỹ. Về nhập khẩu: Tổng kim ngạch nhập khẩu ngành điện tử năm 2020 (2) là 74,28 tỷ USD. Như vậy, ngành điện tử đã thực hiện xuất siêu 17,7 tỷ đồng năm 2020. 

Sang năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, biến động do bệnh dịch covid-19, song 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành điện tử đạt 48,91 tỷ USD, chiếm trên 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và tiếp tục đứng đầu trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Về nhập khẩu, kim ngạch nhập ngành điện tử đạt 42,57 tỷ USD. Như vậy, 6 tháng đầu năm 2021, ngành điện tử tiếp tục thực hiện xuất siêu 6,4 tỷ USD. Trong bối cảnh 6 tháng đầu năm, cả nước vẫn đang còn phải nhập siêu 1,47 tỷ USD (3) thì việc ngành điện tử xuất siêu đến 6,4 tỷ USD đã đóng góp đáng kể vào việc cân đối ngoại tệ của đất nước. 

Các sản phẩm của doanh nghiệp ngành điện tử mang tính ứng dụng cao, là sản phẩm thiết yếu của người tiêu dùng trong mùa dịch đảm bảo làm việc và học tập trực tuyến (điện thoại di động, máy tính, TV, các thiết bị ngoại vi…), cũng đồng thời là một trong những bộ phận thiết yếu của nhiều ngành kinh tế khác như quân đội, an ninh quốc phòng, đặc biệt là của ngành y tế (máy thở, máy X quang, máy siêu âm, máy lọc máu, thậm chí đến cả thiết bị đo thân nhiệt từ xa). 

Đại diện một số hiệp hội và doanh nghiệp tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

 

Về lực lượng lao động ngành điện tử, theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến hết năm 2017 đã có trên 1 triệu lao động thuộc ngành này. Con số này tăng nhanh trong những năm gần đây. Hiện nay, lao động của ngành điện tử ước khoảng 1,5 triệu lao động. Ngành điện tử là ngành sản xuất tập trung vốn và công nghệ, tuy nhiên tại Việt Nam, có thêm đặc thù là tập trung lao động, do Việt Nam đang ở phân khúc cuối cùng của chuỗi sản xuất toàn cầu ngành điện tử, tập trung vào những công đoạn đòi hỏi nhiều lao động. 

Hiện nay, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng mạnh là do nhu cầu thị trường tăng cao (ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến người lao động bắt buộc phải làm việc tại nhà). Ngoài ra, dịch Covid-19 khiến các công ty sản xuất máy tính tại Trung Quốc, công xưởng sản xuất của thế giới phải đóng cửa, nhiều doanh nghiệp trang bị máy tính cá nhân cho lao động làm việc tại nhà, không đến công sở làm việc để phòng chống dịch bệnh lây lan. Nhờ đó, doanh nghiệp điện tử trong nước nhận được nhiều đơn hàng hơn. Song cũng đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ hợp đồng, mất đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng và đứt gãy lực lượng lao động sản xuất có tay nghề do phải dừng sản xuất trong thời kỳ cách ly xã hội của các vùng kinh tế trọng điểm, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp điện tử sản xuất như: Bắc Ninh, Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh và các khu công nghiệp phía Nam. 

Một số doanh nghiệp đầu chuỗi có xu hướng tìm kiếm và chuyển một phần sản xuất sang những nơi an toàn hơn. Hãng Apple tiếp tục tìm kiếm các đối tác sản xuất của họ tại Trung Quốc, mặc dù nhà sản xuất lớn nhất theo hợp đồng của họ đã đặt nhà máy tại Bắc Giang vào cuối năm ngoái. Nhà máy của Samsung tại khu vực Bắc Ninh đã buộc phải bị gián đoạn sản xuất trong quý II năm nay. Tập đoàn Samsung cũng có dấu hiệu tìm kiếm các đối tác gia công khác ngoài Việt Nam. Do ảnh hưởng có bệnh dịch, dẫn đến doanh thu xuất khẩu mảng điện thoại di động của họ đã giảm nhẹ vào năm 2020, mặc dù đang có xu hướng phục hồi vào năm nay, nếu tình hình dịch bệnh trong nước được khống chế. 

Tại các doanh nghiệp điện tử phía Nam, hầu hết phải dừng sản xuất do không đủ điều kiện thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”. Một số công ty cố gắng duy trình sản xuất ở mức 30% hoặc 50% nhưng cho biết tình trạng thực hiện “3 tại chỗ” khó có thể lâu dài, do tâm lý người lao động không muốn phải ăn ở tạm bợ tại công ty, cũng như việc duy trì công suất tối thiểu cũng khó đảm bảo đơn hàng với các đối tác. Chi phí doanh nghiệp tăng cao. Riêng chi phí test covid-19 cho người lao động, trung bình doanh nghiệp phải chi thêm khoảng 3 triệu đồng/1người/1 tháng. Ngoài ra, còn các chi phí phòng dịch khác như: mua bổ sung thêm trang thiết bị phục vụ ăn ở cho lao động tại chỗ; chi phí sát trùng, khử khuẩn, vệ sinh công nghiệp, v.v. Thậm chí ngay cả khi doanh nghiệp phải đóng cửa vẫn có nhiều khoản chi phí phải trả như trả lương ngừng việc cho người lao động, trả tiền thuê đất, trả lãi vay ngân hàng, chi phí điện, nước, hạ tầng để duy trì hệ thống máy móc thiết bị trong lúc dừng sản xuất, v.v. 

Việc nhập xuất và lưu thông hàng hóa phức tạp và không thống nhất giữa các địa phương có dịch và vùng giáp ranh, đã làm kéo dài thời gian lưu thông, tăng chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các quy định chưa thống nhất giữa các địa phương đan xen vùng dịch gây nhiều khó khăn cho các chuyên gia, người lao động khi di chuyển từ chỗ ở đến nơi làm việc. Các yêu cầu về test covid-19 đối với người lao động còn bất cập, tạo nguy cơ lây nhiễm khi tập trung quá đông người tại các địa điểm test covid và mất nhiều thời gian chờ đợi, thậm chí người lao động phải mất cả ngày chờ kết quả xét nghiệm để có thể di chuyển qua các chốt kiểm dịch. 

Do đó, cần coi lực lượng lao động ngành điện tử là lực lượng trên tuyến đầu của sản xuất, góp phần quan trọng trong đảm bảo mục tiêu kép của Chính phủ. Đồng thời đưa khối doanh nghiệp ngành sản xuất chủ chốt là một bộ phận quan trọng cùng tham gia chống dịch với những đóng góp đáng kể cho phòng chống dịch, như: tham gia sản xuất, cung ứng các vật tư, thiết bị y tế thiết yếu; cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho đời sống dân sinh trong mùa dịch như: điện thoại di động, máy vi tính, màn hình, thiết bị ngoại vi trong nhà dùng cho làm việc và học tập trực tuyến, v.v. Do vậy, lực lượng lao động ngành điện tử cần được quan tâm ưu tiên tiêm vắc xin sớm. Đồng thời, đề nghị Chính phủ hỗ trợ các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp thẩm định, đàm phán và nhập khẩu vắc xin khi các hiệp hội tìm được nguồn cung phù hợp.

Hội nghị được kết nối với các điểm cầu của cả nước.

Cộng đồng doanh nghiệp ngành điện tử đã gửi 8 kiến nghị lên Thủ tướng, cụ thể như sau:
1. Giải pháp căn cơ là cần cho người lao động các doanh nghiệp ngành điện tử được tiêm vắc xin sớm nhất và nhanh nhất có thể, đồng thời nên ứng dụng mạnh công nghệ thông tin trong việc tổ chức tiêm chủng để tiến trình này diễn ra nhanh chóng, kịp thời và khoa học; 

2. Cho phép doanh nghiệp chủ động đưa ra các giải pháp tổ chức sản xuất an toàn trong mùa dịch và đăng ký thực hiện với chính quyền địa phương sở tại, thay vì áp dụng cứng nhắc các biện pháp “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 địa điểm”; 

3. Cho phép doanh nghiệp được tự tổ chức test Covid-19 cho người lao động tại doanh nghiệp 1 tuần/1 lần và yêu cầu doanh nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức sản xuất an toàn với phương châm “Vắc xin + 5K”; 

4. Chỉ đạo để chính quyền địa phương và y tế địa phương thống nhất một quy trình hướng dẫn y tế về phòng dịch đối với doanh nghiệp để đảm bảo cho doanh nghiệp kịp thời tách các ca F0 ra khỏi doanh nghiệp để có thể tiếp tục tổ chức sản xuất. 

5. Hàng hóa, linh kiện, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất của ngành điện từ cần được xem là hàng hóa thiết yếu, được đưa vào “luồng xanh” để vận chuyển, lưu thông. 

6. Những quy định đối với hàng hóa nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, việc đi lại đối với chuyên gia, người lao động qua các tỉnh, địa phương thuộc diện cách ly, giãn cách cần được sự chỉ đạo xuyên suốt từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng từ khâu vận tải; 

7. Cần có đường dây nóng xử lý khẩn cấp những tình huống phát sinh trong và ngoài vùng dịch để xử lý kịp thời những vướng mắc cho doanh nghiệp trong lưu thông con người và hàng hóa. 

8. Các kiến nghị về chính sách thuế: a. Giảm 50% tất cả các loại thuế: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thu nhập cá nhân cho người lao động, thuế khác đồng thời xin giãn thời gian nộp từ 6 - 12 tháng. b. Giảm 50% tiền thuê đất cho hai năm 2020 & 2021 và xin giãn thời gian nộp 12 tháng vì chi phí này hiện tại là gánh nặng của doanh nghiệp. c. Giãn thời gian trả nợ vay đến hạn cho doanh nghiệp từ 6-12 tháng, lãi suất vay giảm 30% so với lãi suất theo quy định thông thường đối với các khoản đã vay và khoản vay mới. d. Giảm 50% chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và xin giãn thời gian nộp từ 6 - 12 tháng. e. Giảm giá bán điện, nước, xăng. 

Toàn bộ các kiến nghị của doanh nghiệp ngành điện tử đã Thủ tướng lắng nghe, ghi nhận và  được phản ánh trong báo cáo tổng hợp của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng chí Vũ Tiến Lộc.

Trong kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh bốn nội dung chính: 1. Ghi nhận, đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp đang chung tay đóng góp chống dịch với Đảng và Nhà nước; 2. Sẽ ban hành nghị quyết hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong tình hình hiện nay đáp ứng cao nhất có thể các yêu cầu của doanh nghiệp; 3. Mục tiêu cao nhất của Chính phủ là đảm bảo sức khỏe của người dân trên hết và trước hết. 4. Không để xảy ra khủng hoàng kinh tế.

  Trang trước    | Về đầu trang
Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam
Hội Tin học Việt Nam
VAA
Hội tin học Thành Phố Hồ Chí Minh
Công ty TNHH MTV Hanel
Công ty CP Minh Việt
Trung tam TKNL Hanoi (ECC Hanoi)
Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng An Phát



www.veia.org.vn

HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP ĐIỆN TỬ VIỆT NAM
Trụ sở chính: Tầng 11, Tòa nhà MIPEC TOWER 229 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội.
Tel: (84-4) 39332845 Fax: (84-4) 39332846
Email: hiephoidientu@veia.org.vn, Website: www.veia.org.vn

.Designed by Intecom ( Minh Việt JSC and HanelCom )