Hội nghị Thượng đỉnh gia công hiệu suất cao ASEAN 2024: Phụ tùng ô tô, Điện tử và Tự động hóa lắp ráp
Các đại biểu và diễn giả chụp ảnh lưu niệm tại phiên khai mạc Hội nghị tại Hà Nội, ngày 12 tháng 3 năm 2024.
Vietnet24h - Hội nghị quy tụ hơn 150 đại biểu, bao gồm các chuyên gia sản xuất, diễn giả chuyên môn trong lĩnh vực ô tô, xe máy, phụ tùng ô tô và linh kiện từ nước ngoài và Việt Nam như VASI, VEIA, Vinfast, TechMan Robot, ShareTech,… Sự kiện này không chỉ là cơ hội để các chuyên gia trong ngành chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về công nghệ mới, quy trình sản xuất tiên tiến mà còn mở ra không gian cho các đại biểu mở rộng mạng lưới, tạo dựng mối quan hệ đối tác mới.
Không thể phủ nhận Việt Nam là thị trường và trung tâm sản xuất đầy hứa hẹn nhất Đông Nam Á về lĩnh vực điện tử, ô tô, xe máy, phụ tùng và linh kiện.
Trong suốt nhiều năm, ngành điện tử Việt Nam đứng đầu trong tất cả các ngành công nghiệp chế biến chế tạo về giá trị xuất khẩu, chiếm trên 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2023 vừa qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong sản xuất, gia công đơn hàng và thị trường ngành điện tử, nhất là lĩnh vực điện thoại di động suy giảm đã ảnh hưởng đến tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành điện tử Việt Nam, song tổng kim ngạch xuất khẩu điện tử vẫn đạt giá trị tuyệt đối 109,4 tỷ Đô la Mỹ, thặng dư xuất khẩu đạt 12,86 tỷ USD. (theo thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam).
Bên cạnh đó, thị trường ô tô dự kiến sẽ tăng trưởng hơn 10% mỗi năm, trong khi khối lượng thị trường xe máy ước tính đạt 6,49 tỷ USD vào năm 2028. Với dân số khoảng 100 triệu người, hơn 60% dân số Việt Nam đều sở hữu xe máy.
Tỷ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam vẫn còn thấp so với các thị trường khác ở châu Á, tuy nhiên tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên 9% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có nhu cầu xe tăng trưởng nhanh nhất ở mức 10,5%. Việt Nam có dân số trẻ và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng với mối quan tâm sâu sắc đến các công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nhiên liệu và nhận thức về môi trường. Đây chính là cơ hội để thị trường xe điện tăng trưởng ở mức hai con số trong những năm tới.
Hội nghị thượng đỉnh gia công hiệu suất cao ASEAN 2024 - Phụ tùng ô tô, Điện tử, Tự động hóa lắp ráp, được tổ chức bởi Ringier Events phối hợp với các hiệp hội ngành hàng công nghiệp chủ lực của Việt Nam (Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp Chủ lực Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp Cơ khí Việt Nam), là hội nghị thượng đỉnh quốc tế quy tụ các chuyên gia sản xuất và diễn giả chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam và nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp điện tử, ô tô, xe máy, phụ tùng ô tô và linh kiện diễn ra trong 02 ngày thảo luận đầy thông tin và kết nối kinh doanh giữa các đối tác. Hội nghị thượng đỉnh sẽ bao gồm các thông tin liên quan về các giải pháp điện tử, lắp ráp và tự động hóa mới nhất sẽ có tác động to lớn đến việc sản xuất ô tô và xe máy, bao gồm cả các bộ phận và linh kiện.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương – Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam đã có bài tham luận tổng quan về ngành điện tử Việt Nam trong bức tranh kinh tế toàn cầu, với những tổng hợp, đánh giá về bức tranh kinh tế toàn cảnh năm 2023 và những dự đoán cho năm 2024 với những tác động và ảnh hưởng đến ngành điện từ của Việt Nam, đặc biệt là chuỗi cung ứng. Bà chia sẻ, bức tranh kinh tế thế giới năm 2023 với năm vấn đề lớn có tác động và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của ngành điện tử: một là, căng thẳng địa chính trị diễn biến phức tạp hơn, hai là, giá cả hàng hoá cơ bản tăng, ba là xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI toàn cầu, bốn là, tạm ngừng tăng lãi suất, nhưng tỷ giá tiếp tục biến động, năm là, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và không đồng đều.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Uỷ viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, tham luận tại Hội nghị.
Dòng chảy vốn FDI ngày càng tập trung giữa các quốc gia có quan hệ chính trị tốt đẹp, đặc biệt là trong các lĩnh vực chiến lược. Mỹ và EU đều đã ban hành một số đạo luật liên quan đến khuyến khích sản xuất chip bán dẫn trong nước. Hai đạo luật này có thể ảnh hưởng đến chiến lược sản xuất và tim nguồn cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, thúc đẩy các nỗ lực tái cơ cấu mang lưới chuỗi cung ứng chip theo hướng giảm đa dạng hóa nguồn cung và có thể ảnh hưởng tiêu cực tới dòng vốn FDI vào các nước như Việt Nam.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Uỷ viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, phân tích về vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu ngành điện tử.
Theo bà Hương, bối cảnh kinh tế thế giới năm 2024 với nhiều biến động và rủi ro sẽ tiếp tục tạo nên những cơ hội và thách thức đan xen đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế số và các xu hướng chuyển đổi xanh, liên kết kinh tế số tạo ra những cơ hội lớn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam bứt phá, tăng tốc và chuyển đổi tích cực thông qua đẩy mạnh phát triển công nghệ. Bà Hương cũng cho biết thêm, ngay từ quý một năm 2024, đã có nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, bán dẫn và tế bào quang điện đã được cấp phép.
Trong phiên hội thảo, ông Phạm Minh Thắng Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) phân tích nhiều thông tin liên quan đến tích hợp tự động hóa trong gia công, chuyển đổi ngành công nghiệp phụ tùng ô tô Việt Nam. Ông đã trực tiếp chia sẻ cách tiếp cận điển hình để cải thiện năng suất, phấn đấu đạt được tốc độ cao hơn theo thời gian, tính linh hoạt cao hơn, giảm chi phí sản xuất dựa vào nguyên tắc quản lý LEAN.
Ông Phạm Minh Thắng Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI)
Ông Wei Xu – Giám đốc Cấp cao Công ty TNHH Tập đoàn Công nghiệp Công nghệ Laser Han’s đã làm việc tại Việt Nam hơn 8 năm, phục vụ các khách hàng lớn như BYD, Foxconn, Sumitomo, Misumi, TTI, Samsung, LG, v.v. và có nhiều kinh nghiệm về xử lý laser và tự động hóa. Han's Laser có hơn 200 mẫu máy, bao gồm dòng máy khắc laser, dòng máy hàn laser, dòng máy cắt laser, dòng máy khắc bề mặt phụ, dòng máy hiển thị laser,...Tất cả các thiết bị này đã được sử dụng rộng rãi trong sản xuất các sản phẩm khác nhau, đặc biệt cho ngành ô tô.
Ông Wei Xu – Giám đốc Cấp cao Công ty TNHH Tập đoàn Công nghiệp Công nghệ Laser Han’s tham luận tại Hội nghị.
Ông Phạm Văn Đồng – Đại diện Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội (HAMI). Ông là chuyên gia về năng suất, chất lượng và Lean Six Sigma (LSS) với hơn 14 năm kinh nghiệm tư vấn và đào tạo, đồng thời đã hướng dẫn thành công cho nhiều công ty trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm cả phụ tùng ô tô, điện tử và tự động hóa lắp ráp.
Ông Phạm Văn Đồng – Đại diện Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội (HAMI), tham luận tại Hội nghị.
Sự kiện không chỉ là cơ hội để các chuyên gia trong ngành chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về công nghệ mới, quy trình sản xuất tiên tiến mà còn kết nối các đại biểu, doanh nghiệp, mở rộng mạng lưới, tạo dựng mối quan hệ đối tác.
Các đại biểu tham quan một số gian trưng bày của các công ty tại Hội nghị.
Các đại biểu tham quan một số gian trưng bày của các công ty tại Hội nghị.
Các đại biểu đến từ Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam tích cực tham gia Hội nghị.
HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP ĐIỆN TỬ VIỆT NAM Trụ sở chính:
Tầng 11, Tòa nhà MIPEC TOWER 229 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội.
Tel: (84-4) 39332845 Fax: (84-4) 39332846
Email:
hiephoidientu@veia.org.vn, Website:
www.veia.org.vn