Chủ nhật, 22/12/2024
Translate
Tìm kiếm
Giới thiệu chung VEIA
English
Tin tức và sự kiện
Doanh nghiệp hội viên VEIA
Xúc tiến thương mại
Dịch vụ trực tuyến B2B
Thế giới công nghệ
Xã hội điện tử-thông tin
Văn bản pháp quy
Hội viên Hiệp hội điện tử
English News and Events
Đại hội VEIA IV
Tạp chí Điện tử Vietnet24h, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam
Thông tin thời tiết

  Cập nhật: 13/08/2012
Máy thanh toán tự động: dưới lầu, đầu hẻm

Vừa mang lại cho mọi người khả năng thanh toán, nạp tiền cho nhiều loại hóa đơn, dịch vụ… các loại máy thanh toán này còn tận dụng được thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt.

Cũ người

Loại hình máy bán lẻ hoặc thanh toán như thế này - hay còn gọi là kiosk - đã phát triển từ khá lâu tại các nước phát triển với ưu điểm lớn nhất ở sự nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm (các loại giấy tờ, hóa đơn) cũng như nguồn nhân lực mà các hãng bán lẻ, cung cấp dịch vụ sử dụng cho việc thanh toán hóa đơn của khách hàng.

Các loại hình kiosk tiện ích như thế này có nhiều loại hình - từ kiosk cung cấp các dịch vụ kết nối như Internet, điện thoại, nhắn tin, email, fax; kiosk bán lẻ các mặt hàng như nước uống, báo chí, cho thuê đĩa DVD; kiosk để đăng ký thông tin tại các cơ sở thăm viếng, dịch vụ công; kiosk tương tác giới thiệu về bản đồ, các địa điểm nổi bật, văn hóa, di tích… tại những thành phố du lịch lớn trên thế giới; kiosk bán vé tự động tại rạp chiếu phim hay nhà ga; cho đến loại kiosk hiện đại hơn cho phép người dùng thực hiện các giao dịch tài chính, được mệnh danh là “bank-in-a-box”.

Trên thế giới, Nhật là nước phát triển nhất cả về công nghệ lẫn số lượng các loại kiosk như thế này, với mật độ 1 máy phục vụ cho 20 người. Với mật độ dân số rất dày, giá công lao động thuộc hàng cao nhất thế giới, hạn chế về diện tích đất, tỉ lệ tội phạm thấp cộng với ý thức cao về bảo vệ tài sản công đã tạo nên môi trường hoàn hảo để các kiosk bán hàng, thanh toán tự động xuất hiện dày đặc ở khắp nơi tại đất nước này, đặc biệt là tại những nơi thường xuyên tập trung đông người hoặc nhà ga phục vụ việc di chuyển công cộng.

 

Máy thanh toán tự động
Ưu điểm:

Tính tiện lợi cao, tập trung tại nhiều nơi đông đúc, nhiều người đi bộ.

Cung cấp khả năng thanh toán cho nhiều dịch vụ khác nhau.

Độ tin cậy cao nếu dịch vụ được cung cấp bởi những tên tuổi có uy tín.

Hoạt động 24/7.

Hiệu quả cao, tiết kiệm về chi phí vận hành, nhân lực cho xã hội.

Nhược điểm:

Tính phí dịch vụ.

Có thể không chấp nhận tất cả các loại tiền, không có chức năng trả lại tiền thừa.

Có thể không nhận các loại tiền bị nhăn, nhàu.

Không có khả năng hoàn trả thanh toán nếu người dùng nhập sai thông tin.

Mới ta

Trong thời gian khoảng 1 năm trở lại đây, Thế Giới Vi tính nhận thấy tại các thành phố như Hà Nội hay TP.HCM đã “lai rai” xuất hiện các trụ máy thanh toán tự động như thế này.

Đầu tiên có thể kể đến sự có mặt của các hệ thống máy Paylink của Paylink Việt Nam, và vào khoảng cuối năm 2011 trở đi, ngày càng có nhiều các loại kiosk thanh toán mọc lên tại các khu vực đông đúc như siêu thị, cao ốc văn phòng, chung cư, trường học, khu giải trí, nhà hàng và thậm chí là tại các điểm bán tạp hóa trong các khu dân cư… thuộc hệ thống của Công ty cổ phần FPT Payment Technology.

Các loại kiosk thanh toán tự động này không chỉ gói gọn ở một chiếc máy bán hàng tự động mà còn có sự liên thông đến nhiều nhà cung cấp dịch vụ khác nhau, đem đến những tiện ích thiết thực cho người dùng. Đầu tiên, hãy phân biệt rằng máy thanh toán tự động không phải là và cũng không có chức năng giao dịch rút tiền mặt như máy ATM. Thứ 2, máy thanh toán tự động cũng không giống như máy cà thẻ POS bởi các máy này chỉ nhận thanh toán bằng tiền mặt.

Kiosk làm được những gì?

Dạo một vòng quanh các kiosk của Paylink và FPT Payment, có thể thấy loại máy tiện lợi này đang cung cấp các loại hình thanh toán ở nhiều lĩnh vực khác nhau, chủ yếu xoay quanh “bộ khung” là những dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống là điện thoại - điện - nước - Internet và dịch vụ game online.

Với thao tác trên màn hình cảm ứng, các bước sử dụng máy được hướng dẫn từng bước một, trực quan và dễ hiểu, giao diện bằng tiếng Việt (tất nhiên) chắc rằng người dùng sẽ không gặp quá nhiều khó khăn khi thực hiện giao dịch. Cụ thể, nếu muốn nạp tiền cho một số điện thoại trả trước nào đó, người dùng chỉ cần chọn loại hình nạp, nhập số điện thoại, nhập số tiền cần nạp, bỏ tiền vào khe nhận tiền là đã có thể hoàn thành mà không phải mua thẻ cào, cào số serie và nhập vào điện thoại như cách thông thường.

Thao tác tương tự được thực hiện nếu muốn nạp tiền cho game online, hỗ trợ 3 loại tiền game phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay, để nhận được các loại code nạp tiền. Người dùng sẽ dùng code này để nạp tiền cho tài khoản game của mình.

Nếu hoạt động 100% khả năng, các loại kiosk này còn cho phép người dùng thanh toán các loại hóa đơn như cước di động trả sau, hóa đơn tiền điện - nước - Internet, nạp tiền vào tài khoản ngân hàng, thanh toán thẻ tín dụng…

Thao tác này không chỉ tiện lợi khi tiết kiệm được thời gian cho người dùng, không phải trực tiếp đi đến các điểm thu cước của nhà cung cấp dịch vụ để đóng tiền, mà còn cho phép người dùng tự cân đối khoản chi trả, chi trả từng phần hoặc toàn phần dựa theo khả năng tài chính của mình vào từng thời điểm.

Tuy nhiên, vào thời gian đầu triển khai, các tính năng thanh toán hóa đơn trả sau này vẫn chưa được các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán triển khai toàn phần.

Còn điều gì bạn chưa biết?
Nhà cung cấp dịch vụ máy thanh toán tự động tại Việt Nam

Hiện tại ở Việt Nam, có 2 nhà cung cấp dịch vụ máy thanh toán tự động phổ biến nhất là Paylink Việt Nam và FPT Payment Technology. Paylink hiện đã có 500 - 600 máy thanh toán đặt tại khắp nơi, trong khi FPT Payment mới chỉ triển khai hơn 200 máy tính đến cuối tháng 2/2012. Dự kiến vào giữa tháng 3/2012, số lượng máy của FPT Payment sẽ được nâng lên thành 600 máy.

Kết nối của máy thanh toán tự động

Loại công nghệ hiện đại nhất áp dụng trong loại máy này sử dụng kết nối GPRS để nối mạng giữa máy và cơ sở dữ liệu. Do máy chỉ truyền tải lượng thông tin nhỏ, nên việc sử dụng GPRS kênh riêng vẫn đảm bảo được băng thông.

Công nghệ chống trộm

Máy có trang bị UPS bên trong sẽ thông báo khẩn cấp và ngay lập tức về
máy chủ ngay khi bị mất điện. Máy sẽ tự động hú còi nếu có sự tác động thâm nhập từ bên ngoài.

Vì sao máy lại khó tính với tiền nhàu nát?

Hệ thống nhận diện tiền của máy được hiệu chỉnh khá công phu và tỉ mỉ để nhận diện chính xác các loại tiền cũng như chống lại các hành vi “đánh lừa” máy của người xấu, vì vậy, các loại tiền cũ và nhàu nát nhiều nguy cơ sẽ bị máy từ chối.

Tiện và lợi

Bạn Ngọc Anh, sinh viên trường Đại học Kinh tế, đã có vài lần nạp tiền điện thoại trả trước mạng Mobifone tại một kiosk thanh toán của FPT Pay cho biết “Máy thanh toán đặt ngay tiệm tạp hóa cách phòng trọ chỉ vài bước chân nên mình có vài lần tranh thủ nạp tiền luôn mỗi khi mua đồ, khỏi phải đi bộ ra tiệm bán thẻ cào cách đó khá xa”.

Vài lưu ý khi sử dụng máy thanh toán tự động
Việc chọn sử dụng loại máy chấp nhận tất cả các loại tiền, từ tiền giấy đến tiền xu, sẽ mang lại nhiều tiện lợi hơn cho bạn.

Lưu ý thao tác thật kỹ và đúng theo chỉ dẫn trên máy.

Do máy không chấp nhận hoàn trả thanh toán nếu nhập sai thông tin - như số điện thoại, số hóa đơn, số tài khoản - nên hãy lưu ý thao tác thật chính xác trong bước nhập thông tin.

Do máy không có tính năng hoàn trả tiền thừa, hãy chuẩn bị đúng số tiền lẻ cần thanh toán. Tránh sử dụng các loại tiền đã nhàu nát.

Trong trường hợp bạn không có tiền lẻ và số tiền nạp vào máy còn thừa, hãy yên tâm rằng nhà cung cấp dịch vụ thanh toán sẽ lưu thông tin của bạn để sử dụng cho lần nạp sau.

Lưu lại số điện thoại nóng của nhà cung cấp dịch vụ để gọi khi cần thiết

“Nhưng máy tính thêm phí dịch vụ trên số tiền mà mình muốn nạp, thường từ 1.000 - 3.000 đồng. Bình thường thì cho qua vì nó tiện lợi, nhưng nếu hôm nào không gấp hoặc siêng năng thì vẫn mua thẻ nạp theo kiểu thông thường để tiết kiệm”, Ngọc Anh nói thêm. Đây có thể xem như điển hình về ưu - khuyết điểm của kiosk thanh toán tự động, bởi bên cạnh sự tiện lợi thì việc thu phí của máy thanh toán tự động không thể chọi lại tính “kinh tế” của việc mua thẻ cào thanh toán truyền thống - vốn đã được giảm giá 2.000 - 3.000 đồng từ người bán. 

Nói về ưu - khuyết điểm này, nhà cung cấp dịch vụ FPT Pay cho biết: “Qua theo dõi hoạt động của hệ thống, lượng thao tác nạp khoảng 10.000 - 20.000 đồng nhiều hơn hẳn so với các giá trị lớn. Bên cạnh đó, đỉnh điểm sử dụng kiosk thanh toán cũng rơi vào giờ tan tầm hoặc buổi tối từ 10 - 12 giờ”. Như vậy, có thể thấy việc thu phí sẽ khiến người dùng ngập ngừng trong việc sử dụng, chọn các mệnh giá nhỏ để chịu mức phí ít nhất. Bù lại, việc máy xuất hiện ở khắp nơi - những tòa nhà chung cư, văn phòng, nơi có nhiều người đi bộ qua lại - và hoạt động 24/7 sẽ giúp kiosk thanh toán tự động chiếm được thị phần.

Nói về sự linh hoạt này, có lẽ những anh chàng thích tâm sự đêm khuya với bạn gái và điện thoại hay hết tiền giữa chừng chắc sẽ thầm cảm ơn vì ngay trước nhà mình có một máy thanh toán như thế!

Anh Nguyên Khôi, nhân viên văn phòng làm việc tại quận 10, thường sử dụng kiosk thanh toán vừa được đặt tại tầng trệt của tòa nhà thì cho biết: “Theo mình thì tính năng thanh toán hóa đơn điện, nước, Internet hay điện thoại trả sau mới là tiện ích lớn nhất của loại máy này. Lúc đó mình sẽ tiết kiệm được thời gian đi đến nơi đóng tiền. Mức phí mà máy thu so với công cán, tiền xăng rồi tiền giữ xe tính ra chẳng đáng là bao”.

Lựa chọn mới cho nhịp sống hiện đại

Trong lần công tác của PV Thế Giới Vi Tính tại Nhật cách đây vài tháng, nhìn dân Nhật đi bộ và sử dụng các phương tiện di chuyển công cộng đông như kiến, với vài chục máy bán vé tự động đặt tại mỗi nhà ga luôn hoạt động liên tục… Thử tưởng tượng nếu không có sự trợ giúp của công nghệ này, mọi hoạt động sẽ chẳng thể diễn ra trôi chảy đến như thế.

Tại Việt Nam, tuy vẫn có nhiều khuyết điểm không đọ lại kiểu thanh toán truyền thống, nhưng với việc vẫn xuôi theo thói quen sử dụng tiền mặt, cộng thêm tính tiện lợi, các loại máy thanh toán tự động sẽ là một lựa chọn mới phù hợp với nhịp sống hiện đại.
  Trang trước    | Về đầu trang
Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam
Hội Tin học Việt Nam
VAA
Hội tin học Thành Phố Hồ Chí Minh
Công ty TNHH MTV Hanel
Công ty CP Minh Việt
Trung tam TKNL Hanoi (ECC Hanoi)
Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng An Phát



www.veia.org.vn

HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP ĐIỆN TỬ VIỆT NAM
Trụ sở chính: Tầng 11, Tòa nhà MIPEC TOWER 229 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội.
Tel: (84-4) 39332845 Fax: (84-4) 39332846
Email: hiephoidientu@veia.org.vn, Website: www.veia.org.vn

.Designed by Intecom ( Minh Việt JSC and HanelCom )